Kinh tế

Bỏ 3.500 giấy phép con, thước đo cam kết của Chính phủ mới

Bà Phạm Chi Lan cho rằng mốc 1/7 tới sẽ là thước đo để DN biết Chính phủ mới có thực hiện đúng cam kết không và cũng là dịp để DN tố có bao nhiêu thông tư chui vào Nghị định.

Còn khoảng một tuần nữa là tới mốc 1/7 - thời hạn quy định các điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành quy định trong thông tư không còn hiệu lực nếu không đưa lên thành nghị định.

Thước đo

Sẽ có khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh ban hành chưa đúng thẩm quyền có thể được loại bỏ khỏi nền kinh tế.

Giữa lúc “cuộc đua” nâng cấp thông tư lên thành nghị định đang bước vào giai đoạn nước rút, trao đổi với Zing.vn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng thước đo quan trọng để doanh nghiệp (DN) đo xem giữa cam kết của Chính phủ với hành động thực tế như thế nào chính là mốc 1/7 này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.


“1/7 là phép thử, là thước đo với Nhà nước. Tôi mong rằng đến lúc đó các hiệp hội, các phương tiện thông tin đại chúng có thể tố đã có bao nhiêu thông tư chui vào Nghị định và số giấy phép, số điều kiện kinh doanh trên thực tế ra sao chứ không phải như luật”, bà Chi Lan nói.

Theo chuyên gia kinh tế này, tổ thi hành luật doanh nghiệp phải công khai chuyện này bởi “họ không có lý do gì không công khai, minh bạch với cộng đồng doanh nghiệp về hoạt động của mình”.

Cài cắm lợi ích

Bà Chi Lan nêu thực tế hiện có nhiều điều kiện kinh doanh cài cắm lợi ích DN.

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng VCCI đang kiến nghị bỏ một số loại giấy phép con chẳng hạn thông tư 20 về nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ.

Thông tư này đưa ra điều kiện nhà nhập khẩu ô tô trong nước phải có giấy ủy quyền của đại lý nước ngoài, phải có garage sửa chữa… Cho rằng điều đó làm khó cho DN, VCCI kiến nghị bỏ.

Với việc sản xuất mũ bảo hiểm, VCCI cho rằng chỉ cần kiểm soát quy chuẩn mũ chứ không cần đặt ra điều kiện kinh doanh, nhưng hiện tại Chính phủ vẫn ban hành.

Về việc nhập khẩu thiết bị in như máy cắt giấy hiện nay phải ra tận Bộ xin, VCCI đề xuất bỏ ràng buộc trên.

Ông Tuấn thông tin, hiện có khoảng 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Con số trên được nêu rõ ở phụ lục 4 Luật Đầu tư. Mỗi ngành nghề đó có rất nhiều điều kiện kinh doanh. Thậm chí trong các điều kiện kinh doanh nhỏ còn có thêm vài điều kiện nữa. Các chuyên gia kinh tế hay gọi chúng là giấy phép mẹ - con - cháu.

Theo thống kê chưa đầy đủ hiện có khoảng 5.900 điều kiện kinh doanh. Con số trên có thể xem là quá nhiều, việc cắt giảm là cần thiết và quan trọng vì giấy phép liên quan tới thủ tục hành chính, cơ chế xin cho.

“Nhưng vấn đề không nằm ở chuyện bỏ hay không mà là: hiện nay điều kiện kinh doanh quá khắt khe, chỉ những ông lớn mới lấy được giấy phép nên cần nới lỏng hơn. Cần rà soát lại xem cái nào không cần thiết, không đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, không khả thi trên thực tiễn thì bỏ”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cởi trói cho DN

Trong khi đó, từ chuyện bỏ 3.500 giấy phép con này, bà Chi Lan cho rằng các cơ quan cấp trên khi nhận được văn bản quy phạm pháp luật cấp dưới gửi lên phải soi kĩ xem phản hồi của xã hội, nhất là cộng đồng chịu tác động nhiều nhất của văn bản đó thế nào.

“Việt Nam cũng đã đưa ra việc thực hiện quy trình đánh giá tác động của các văn bản pháp quy, nhưng trong thực tế thực hiện, thông thường khi đánh giá tác động người ta chỉ đưa các mặt thuận chứ không đưa ra những mặt nghịch để xem quy định đó có đáng hay không, lợi ích mang lại có bõ với chi phí mà xã hội phải bỏ ra hay không. Như vậy rõ ràng ở nước ta quy định có hết cả, nhưng thực hiện không nghiêm”, bà Chi Lan nêu quan điểm.

Dẫu vậy, chuyên gia kinh tế này bày tỏ, bà có ấn tượng ban đầu rất tốt với Thủ tướng mới, Chính phủ mới khi chỉ 3 ngày sau khi Thủ tướng nhậm chức, Chính phủ ban hành Nghị quyết 19. Và 40 ngày sau, Nghị quyết 35 ra đời.

Trong 40 ngày đó, Thủ tướng có cuộc đối thoại với doanh nghiệp, còn có thông báo 66 nhắc nhở các bộ, ngành khẩn trương thực hiện luật doanh nghiệp, luật đầu tư cho đúng.

“Chỉ trong 40 ngày, Chính phủ mới làm được rất nhiều việc, tập trung cao vào việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là chuyện đáng mừng”, bà Chi Lan nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác và cộng đồng doanh nghiệp cũng đang mong chờ mốc 1/7 – thời điểm Chính phủ kiên quyết loại bỏ 3.500 giấy phép con đang gây phiền nhiễu, cởi trói cho DN.

Tác giả bài viết: Kiều Vui

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP