►Bình Định: Chấm dứt siêu dự án lọc dầu 20 tỷ USD
Lãnh đạo Bình Định vừa có văn bản gửi Ban Quản lý Khu kinh tế yêu cầu tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng xin rút Dự án Tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội ra khỏi Quy hoạch phát triển dầu khí Việt Nam đến năm 2025.
Tỉnh Bình Định chính thức xin bỏ dự án lọc hoá dầu 22 tỷ USD sau khi ra tối hậu thư nhưng phía chủ đầu tư không có động thái nào.
Đồng thời, Ban quản lý sẽ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn các chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nhơn Hội (Khu A, Khu B, khu C) tiếp tục có kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và xúc tiến thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp theo quy định. Tỉnh nhấn mạnh không thu hút các dự án lọc, hoá dầu.
"Tỉnh không tiếp tục thực hiện việc kiểm toán để hoàn trả giá trị đầu tư hạ tầng nhằm chuyển giao mặt bằng cho Dự án Tổ hợp lọc hoá dầu Nhơn Hội", văn bản nêu.
Đây là hành động chính thức của Bình Định sau khi nhiều lần thúc giục, ra tối hậu thư cho phía Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) về tiến độ của siêu dự án này. Tuy nhiên, cuối tháng 6, PTT vẫn chưa có động thái khởi động dự án nên tỉnh đã buộc phải yêu cầu rút lui, tránh ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư của doanh nghiệp khác vào Khu kinh tế Nhơn Hội.
Đầu tháng 7, trên Reuters, PTT cho biết đã nghiên cứu đầu tư vào miền Trung Việt Nam từ 4 năm trước, và dự kiến sẽ khởi công dự án tại Bình Định trong năm 2016. Theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ hợp tác Saudi Aramco - công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới - để góp mỗi bên 40% vốn. 20% còn lại đến từ Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, do những biến động của thị trường dầu thô thế giới, cùng với một số thay đổi tại Việt Nam, phía PTT cho biết cần thời gian xem thêm.
Năm 2012, khi mới công bố quyết định đầu tư, siêu dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội đã gây chú ý với diện tích 2.000ha, tổng mức đầu tư cam kết trên 28 tỷ USD, công suất 20 triệu tấn một năm và dự kiến góp 40% vào GDP tỉnh Bình Định khi hoạt động. Công trình cũng được kỳ vọng tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 30.000 lao động và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp.
Về phía địa phương, các lãnh đạo cũng "trải thảm đỏ" cho nhà đầu tư với việc cam kết gấp rút bàn giao hơn 1.400ha mặt bằng sạch. Tỉnh Bình Định còn kiến nghị Chính phủ đưa Khu kinh tế Nhơn Hội vào danh mục khu kinh tế trọng điểm, áp cơ chế ưu đãi vốn đầu tư công trình hạ tầng cấp bách… để đẩy nhanh tiến độ.
Theo đó, dự án được hưởng nhiều ưu đãi như thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Dự án cũng được miễn thuế thuê đất và thuế nhập khẩu dầu thô cũng như các thiết bị, máy móc, vật tư mà trong nước chưa sản xuất. Khi hoàn thành, sản phẩm lọc hóa dầu cũng được bán và phân phối tại thị trường Việt Nam, trong đó Chính phủ không cam kết mức thuế nhập khẩu sản phẩm lọc dầu, hóa dầu của dự án.
Chủ đầu tư cũng đề xuất việc xây dựng cảng biển riêng và xin nhiều ưu đãi vượt khung như miễn tiền thuê đất trong 70 năm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm...
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dự án vẫn chỉ dừng lại ở những quy hoạch trên giấy và con số khủng. Quy mô cam kết đầu tư sau đó cũng giảm dần xuống 22 tỷ USD.
Trước bối cảnh giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, các tập đoàn dầu khí thế giới lâm vào thế khó, PTT và Saudi Aramco cũng không nằm ngoài tác động. Giữa năm 2015, chủ đầu tư này mong muốn được hợp tác, góp vốn với doanh nghiệp trong nước để chia sẻ độ rủi ro của dự án nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu.
Gần đây, các đại gia lọc dầu từng "hứa" đầu tư lớn vào Việt Nam đã phải tính toán lại quyết định đầu tư, bên cạnh những cuộc rút lui như của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar tại dự án lọc dầu Long Sơn (Vũng Tàu), Tập đoàn Gazprom Neft (GPN) tại Lọc hoá dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi)…
Tác giả bài viết: Bạch Dương