Số hóa

Biến smartphone thành trợ thủ dạy học

Nếu biết cách thì những chiếc smartphone có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực của các thầy cô giáo trong quá trình giảng dạy.

Để tăng chất lượng giảng dạy, nhiều giáo viên thường phải mua thêm các thiết bị trợ giảng (loa, micro không dây, bút điều khiển…) khá tốn kém chi phí. Do đó, thay vì phải tốn tiền đầu tư thiết bị thì các thầy cô giáo có thể áp dụng một số ứng dụng sau đây để biến smartphone thành các thiết bị trợ giảng.

Biến smartphone thành micro trợ giảng

Đầu tiên, bạn hãy cài đặt ứng dụng WO Mic cho Android (https://goo.gl/QP1dXw) và máy tính (https://goo.gl/hx3ZH). Khi hoàn tất, bạn mở ứng dụng trên điện thoại và truy cập vào mục Settings > Transport để thiết lập lại kiểu kết nối. Lưu ý, nếu kết nối điện thoại và máy tính bằng cáp USB, hãy chắc chắn rằng tùy chọn USB debugging trong phần Settings > Developer options đã được kích hoạt. Ngược lại, nếu không muốn rườm rà, bạn có thể kết nối thông qua Wi-Fi hoặc Bluetooth.

Tiếp theo, người dùng chỉ cần mở ứng dụng WO Mic trên máy tính, nhấp vào tùy chọn Connection > Connect và lựa chọn phương thức kết nối tương ứng rồi nhấn OK. Nếu hiển thị thông báo kết nối thành công, bạn có thể sử dụng smartphone như một micro không dây và âm thanh sẽ được phát ra từ máy tính. Để nâng cao chất âm, người dùng có thể kết nối thêm loa ngoài hoặc loa Bluetooth. Hiện tại, ứng dụng WO Mic đang được cung cấp miễn phí cho người dùng Android, Windows và Mac OS X.

Nếu đang sử dụng các thiết bị iOS (iPhone, iPad, iPod Touch) hoặc Windows Phone, bạn chỉ cần cài đặt ứng dụng Megaphone (https://goo.gl/ETCcD4) hoặc Real Microphone (https://goo.gl/jCuLMg) để biến điện thoại thành micro không dây. Cả hai hiện tại đang được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người dùng.

Smartphone đang trở thành một thiết bị hữu ích trong học tập và giảng dạy. Ảnh: M.HOÀNG


Điều khiển các bài giảng từ xa

Muốn tự do đi lại trong phòng học mà vẫn điều khiển được bài giảng, video trên màn hình lớn (TV, máy chiếu…) thay vì phải ngồi một chỗ và thao tác trực tiếp trên máy tính như trước đây. Đầu tiên, bạn cần cài đặt ứng dụng Mirror (https://goo.gl/P0AJph) cho smartphone và AllCast Receiver (https://goo.gl/l6d3L2) cho trình duyệt Chrome trên máy tính.


Sau đó, bạn hãy mở ứng dụng trên cả hai thiết bị và điều chỉnh lại các tùy chọn như Microphone (bật/tắt micro), Pointer location (hiển thị trỏ chuột)… Để kết nối điện thoại với máy tính, bạn chỉ cần nhấp vào dòng Chrome @ 192.168.1.xxx sẽ hiện lên trên thiết bị (lưu ý, cả hai thiết bị phải kết nối cùng Wi-Fi thì mới có thể nhận ra nhau). Lúc này màn hình điện thoại sẽ được hiển thị ngay trên máy tính, mọi thao tác người dùng thực hiện gần như được phản hồi ngay lập tức và không có độ trễ. Để học sinh có thể quan sát dễ hơn, giáo viên nên kết nối máy tính với máy chiếu hoặc màn hình TV bằng cáp HDMI tương ứng.

Kể từ lúc này, bạn có thể di chuyển xuống từng bàn để hướng dẫn các em học sinh kỹ hơn trong khi vẫn điều khiển được bài giảng thông qua điện thoại. Ngoài ra, người dùng có thể tham khảo thêm một số ứng dụng có cùng chức năng như TeamViewer Quick Support hoặc Wondershare MirrorGo.

Xếp lịch giảng dạy

Nếu muốn quản lý lịch dạy học, thời gian biểu và các ghi chú nhỏ cho từng lớp, bạn có thể cài đặt ứng dụng InClass tại địa chỉ https://goo.gl/DjTlx7 (tương thích iOS 7 trở lên). Ứng dụng này phù hợp với cả giáo viên lẫn học sinh bởi nó cho phép bạn quản lý lịch dạy/học theo từng học kỳ. Với mỗi môn học, người dùng có thể thiết lập thời khóa biểu riêng hoặc lên danh sách các công việc cần làm. Ngoài ra, khi chuyển sang phần lịch, bạn sẽ biết được hôm nay (hoặc những ngày sắp tới) mình sẽ dạy môn gì, ở những lớp nào… Người dùng có thể thiết lập độ ưu tiên cho từng lớp, từng môn học bằng cách đánh dấu màu đỏ, vàng hoặc trắng. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể ghi chú thêm thông tin về số điện thoại, email của giáo viên để tiện cho việc liên lạc. Cuối cùng, InClass còn hỗ trợ tạo ghi chú hình ảnh, âm thanh và đính kèm trực tiếp các tập tin trong ghi chú.

Nhìn chung, smartphone giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, trong công việc giảng dạy và học tập.

“Thầy ngoại ngữ” công nghệ cao

Ngoài việc hỗ trợ việc giảng dạy, smartphone còn là một công cụ hỗ trợ việc học ngoại ngữ khá hữu ích. Hiện trên các kho ứng dụng có khá nhiều phần mềm như American English (dạy học ngoại ngữ theo giáo trình), Bususu (giúp người học kết nối giao tiếp ngoại ngữ qua mạng xã hội), Conversation English (phát triển tiếng Anh đàm thoại)… có thể giúp người dùng nâng cao khả năng ngoại ngữ khá tốt. Đặc biệt với các ứng dụng thì smartphone cũng có thể trở thành một chiếc từ điển mini, một chiếc máy tính, thậm chí là một thiết bị giải toán.

Tác giả bài viết: Hoàng Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP