Đây là chuyện xảy ra ở Dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ (QL)1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai được làm bằng hình thức BOT, với tổng mức đầu tư 2.085 tỷ đồng, đã được triển khai từ tháng 4/2013, hoàn thành vào tháng 3/2014. Đơn vị thực hiện là Tổng Công ty 319.
Về tổng mức dự án, đến tháng 8/2015 khi nhà đầu tư công khai số vốn giải ngân 1.483 tỷ đồng (71% dự toán), lúc này dự án đã khai thác được 5 tháng từ tháng 3/2015. Theo kết quả thanh tra, sau khi loại bỏ và giảm trừ các chi phí bất hợp lý, tổng vốn đầu tư cho dự án là hơn 1.600 tỷ đồng.
Báo cáo thanh tra chỉ rõ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn tồn tại như: Điều chỉnh, bổ sung đơn giá nhân công chưa đúng thẩm quyền và quy định, làm tăng chi phí 3,6 tỷ đồng. Áp dụng đơn giá vật liệu chưa đúng là tăng chi phí xây lắp lên 19 tỷ đồng; buông lỏng quản lý, theo dõi và kiểm tra việc sử dụng phí dự phòng, khiến nhà đầu tư sử dụng sai, sử dụng chưa được phép 276 tỷ đồng.
Đáng nói, những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án được cấp phép sau nhưng đã khởi công từ trước đó cả nửa năm. Cụ thể tháng 9/2013 dự án BOT đoạn Phan Thiết - Đồng Nai mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tháng 11/2013 mới được phê duyệt. Tuy nhiên, tháng 4/2013, nhà đầu tư đã cho khởi công dự án, vi phạm Luật Xây Dựng và Nghị định của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình.
Tương tự như dự án trên, vào tháng 8/2015, cơ quan thanh tra của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) có kết luận thanh tra và khui ra một số sai phạm của dự án mở rộng QL1A đoạn qua Nghi Sơn - Cầu Giát bằng hình thức BOT với tổng chiều dài tuyến đường 33,93 km.
Trước đó, dự án mở rộng được xác định dùng nguồn vốn ngân sách, nhưng sau đó được quyết định đầu tư bằng BOT. Hai công ty được chọn làm liên danh nhà đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) và Tổng công ty 319 (Bộ Quốc Phòng).
17 dự án BOT đã và đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thanh tra, một số trong đó đã xảy ra vi phạm (ảnh minh họa - Ngọc Thắng)
Chênh 1.200 tỷ đồng vì chuyển phương thức đầu tư
Đối với dự án mở rộng QL1A đoạn qua Nghi Sơn - Cầu Giát, theo Bộ KH&ĐT, ban đầu dự toán sử dụng nguồn vốn ngân sách có tổng mức đầu tư (TMĐT) 1.930 tỷ đồng nhưng khi chuyển sang BOT, dự toán đã vượt lên 3.160 tỷ đồng (chưa tính lãi vay), chênh 1.200 tỷ đồng.
"Việc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ nguồn ngân sách sang hình thức BOT làm tổng mức đầu tư tăng thêm 75% nhưng không được đề cập và so sánh trước khi trình cấp thẩm quyền chấp nhận đầu tư. Việc này gây lãng phí vốn đầu tư, thất thoát ngân sách và không phù hợp với quy định", văn bản của Bộ KH&ĐT khẳng định.
Đặc biệt, nhà đầu tư đã sử dụng toàn bộ thiết kế, thi công cũ (thiết kế thi công từ khi dự án còn dự định sử dụng vốn ngân sách) để thực hiện thi công dự án bằng BOT. Sau đó, nhà đầu tư lại thay đổi thiết kế thi công, gây lãng phí đầu tư.
Bản vẽ cập nhật thiết kế thi công của nhà đầu tư được phê duyệt từ tháng 8/2014 chỉ là bản vẽ hoàn công, trong khi đó nhà đầu tư triển khai thi công từ tháng 3/2013, trước 17 tháng bản thiết kế thi công được duyệt. Do khởi công vội vàng khi chưa đủ điều kiện khiến điều chỉnh quy mô dự án nhiều lần, nhiều hạng mục được thực hiện nhưng không được đưa vào khai thác gây lãng phí hơn 36 tỷ đồng. Đáng nói, sau đó nhà đầu tư đã đưa "chi phí cập nhật thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát" trong tổng mức đầu tư, khiến tăng thêm chi phí 7 tỷ đồng cho dự án.
Đặc biệt, vi phạm lớn nhất của nhà đầu tư là dù chưa có quyết định của Bộ GTVT, nhưng đã tự ý điều chỉnh kết cấu mặt đường, khiến chi phí đầu tư tăng hơn 82,7 tỷ đồng. Việc tính toán, thẩm định tổng mức đầu tư sai sót, làm tăng thêm chi phí 39 tỷ đồng. Xác định sai định mức lương nhân công làm tăng chi phí xây lắp 20 tỷ đồng...
Trước đó, như tin Dân Trí đã đưa, sau kết quả thanh tra 17 dự án BOT giao thông, bước đầu cơ quan thanh tra của Bộ KH&ĐT chỉ ra một số sai phạm, trong đó nổi lên sai phạm nghiêm trọng về lập dự toán “vống” ở Dự án BOT giao thông QL1 đoạn qua Khánh Hòa hơn 1.280 tỷ đồng cùng rất nhiều sai phạm cụ thể.
Trả lời phóng viên Dân Trí về việc tại sao có việc lập dự toán vượt 1/2 so với thực tế triển khai, trong khi thực tế quá trình triển khai đã có nhiều tình tiết sai phạm khiến công trình bị tính sai hàng chục tỷ đồng như ở Dự án BOT QL1 đoạn qua Khánh Hòa, ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT khẳng định: “Dự toán lập là trách nhiệm thuộc về Cơ quan quản lý Nhà nước, còn doanh nghiệp họ làm ít đi đáng ra phải biểu dương”.
Trong ngày 2/6, trả lời về việc cấp phép, quản lý dự án BOT giao thông, ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng - Phó Trưởng ban PPP, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định: "Hiện có 10 bộ ngành quản lý việc cấp phép, thực hiện và giám sát hoạt động của dự án BOT. Quy trình rất chặt chẽ”.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (đề nghị dấu tên): Khi lập dự toán, nhà đầu tư là đơn vị đầu tiên đề xuất các đầu việc, xác lập các gói thầu để cơ quan Nhà nước đánh giá và phê duyệt. Chính vì vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) dự án là đầu tiên, sau đó đến cơ quan rà soát, đánh giá và ký ban hành. Đáng nói hơn là, trong cơ cấu tính thời gian thu phí và giá thu phí của dự án BOT giao thông, đều tính toán đến tổng mức đầu tư, tổng vốn vay – thời gian trả nợ và lãi suất, lưu lượng xe qua lại để tính vào cước và phí thu.
Chính vì vậy, theo vị chuyên gia này: “Ta thấy rõ dự án BOT có giá rất cao, như trong dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát chẳng hạn. Đây sẽ là yếu tố tác động rất lớn vào giá phí cước và kéo dài thời gian thu phí. Đặc biệt, các hợp đồng ký với nhà đầu tư đều có cơ chế mở cho DN dự án BOT được điều chỉnh thời gian thu phí phù hợp với biến động lưu lượng xe và vốn đầu tư dự án”.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền