Bà Huỳnh Thị Liên (ngụ xã Xuân Thới Đông) chia sẻ với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về hoàn cảnh của ba mẹ con bị chồng đuổi ra khỏi nhà phải về ở tạm cạnh bên nhà bà. “Họ chỉ có nguyện vọng xin cất một cái nhà cấp 4 cạnh nhà tôi để có nơi chui ra chui vào, nhưng vì vướng quy hoạch tuyến đường 13 - Bà Triệu nối dài trước nhà nên không được cấp phép”, bà Liên nói. Bà đặt vấn đề với các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cơ quan chức năng: “Bao giờ tuyến đường này mới làm? Tại sao không cho người dân xây nhà tạm có cam kết, rồi sau này khi giải phóng mặt bằng sẽ giao lại cho nhà nước”?
Vấn đề này cũng giống như các huyện ngoại thành khác, điều mà cử tri huyện Hóc Môn khá bức xúc vẫn chính là các dự án quy hoạch hàng chục năm chưa thực hiện, khiến người dân “không làm ăn” gì được bởi các dự án “treo” này.
Ông Trần Văn Thủy (xã Bà Điểm) bức xúc nói: “Một xã như xã Bà Điểm, chỉ cách trung tâm thành phố có 13km, mà thậm chí gọi taxi không xe nào chạy đến rước. Không làm tuyến đường này, chúng tôi như đang sống ở miền núi”. Ông còn cho rằng tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ nối liền xã với địa phận tỉnh Long An đã qua hơn 3 nhiệm kỳ lãnh đạo mà vẫn chưa làm được.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lên (xã Xuân Thới Đông), kiến nghị sớm thi công tuyến đường Trần Văn Mười vì thành phố đã có chủ trương nhưng mãi đến năm 2019 mới thi công. Trong khi đó, hiện con đường này đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống thoát nước hư hỏng nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Trả lời những vướng mắc trên, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng, thành phố đã thống nhất theo hướng hễ quy hoạch nào không khả thi, ảnh hưởng lớn đến người dân thì xóa quy hoạch. Tuy nhiên, sở sẽ cân nhắc để tham mưu cho UBND thành phố, không phải cứ xóa sạch bởi có những dự án ảnh hưởng đến chiến lược phát triển dài lâu, bền vững của quốc gia.
Về vấn đề xây dựng tạm trên đất quy hoạch mà bà Liên nêu ra, phía Sở Xây dựng trả lời từ tháng 8/2014, UBND thành phố đã ban hành quyết định 27 cho sở ngành và địa phương liên quan xem xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho các khu vực dân cư dính đến quy hoạch.
Biến tướng mua bán nhà tình thương
Cũng theo bà Liên, một vấn đề gây bức xúc lớn ở nông thôn hiện nay chính là việc cấp nhà tình thương cho người nghèo. “Có bao nhiêu người chính chủ còn ở trong nhà tình thương?”, bà Liên hỏi và đưa ra những trường hợp cụ thể ở gần nhà mình. Những người được cấp nhà tình thương, chỉ vào ở được vài ba tháng, thì bán nhà, tiếp tục ra ở phòng trọ. Theo bà Liên, đây là biến tướng của nhà tình thương mà người dân cảm thấy bức xúc vì lãng phí.
Cùng với ý kiến của các cử tri khác về vấn đề ô nhiễm môi trường, thu mua sữa của nông dân, an ninh trật tự… bà Đỗ Thị Lâm Tuyền - Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn - hứa nghiêm túc tiếp thu. Bà Tuyền cũng hứa về vấn đề thu mua sữa của bà con nông dân, huyện đã có văn bản kiến nghị với Công ty CP Sữa Vinamilk và sắp tới sẽ tổ chức cho bà con đối thoại với công ty. Theo bà, qua khảo sát, hiện huyện có hơn 1.300 doanh nghiệp không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ gây ô nhiễm, cháy nổ cao. Huyện sẽ có biện pháp giải quyết. “Vấn đề biến tướng mua bán nhà tình thương, chúng tôi tiếp thu và sẽ có chỉ đạo rà soát kiểm tra báo cáo cho bà con biết trong thời gian sớm nhất”, bà Tuyền khẳng định.
Ông Thăng đánh giá các sở ngành, chính quyền trả đã thể hiện sự ráo riết, nắm chắc công việc, kể cả tinh thần linh động trong giải quyết khi trả lời thắc mắc, bức xúc của cử tri. Ông cũng đánh giá những ý kiến rất tâm huyết, tỷ mỷ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với đất nước của cử tri huyện Hóc Môn.
Đây là lần tiếp xúc cử tri đầu tiên sau khi có kết quả bầu cử Quốc hội, ông Thăng bày tỏ lòng biết ơn những người đã tín nhiệm chọn mình. “Tôi cám ơn cả những người không bầu cho chúng tôi. Điều đó giúp chúng tôi thấy cần phải nỗ lực hơn nữa để những ai chưa có niềm tin vào chúng tôi có thể yên tâm hơn”, ông nói.
Bí thư Thăng cũng khẳng định với cử tri, tất cả lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước đều giữa lập trường cương quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền thiên liêng của quốc gia. Cương quyết chống tham nhũng, tấn công triệt để các loại tội phạm…
Đưa máy bắn cá về nhà văn hóa xã Đưa ra sáng kiến tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Trần Văn Xê (ngụ xã Xuân Thới Sơn) cho rằng, tình hình an ninh trật tự xã hội ở nông thôn hiện rất phức tạp. Nạn cướp giật, trộm cắp tràn lan. Các đối tượng này hầu hết đều liên quan đến ma túy và các tệ nạn khác. Trong đó, có trò chơi máy bắn cá biến tướng thành cờ bạc khiến nhiều gia đình tan nát. “Theo tôi, nên gom trò chơi bắn cá này về nhà văn hóa xã, để lành mạnh hóa và quản lý dễ dàng hơn. Không cho để ở nhà dân nữa vì dễ biến tướng cờ bạc”, ông Xê nói chân thành. Trước đề xuất này, Bí thư Thăng cũng tỏ ra thú vị và tán thành: “Chúng ta không cấm máy bắn cá mà có thể xem xét gợi ý nay của người dân, đưa về nhà văn hóa xã cho người dân chơi có được không”? |
Tác giả bài viết: Nam Anh