Câu nói đó có thể hoàn toàn không đúng, nhưng nó sẽ đúng với những người phụ nữ giỏi mà lại hay khinh chồng, hoặc với những người đàn ông không có lập trường, luôn tự ti vì mình thấp kém, thua xa vợ. Ở đời vợ chồng mà không hiểu, thông cảm và chia sẻ cho nhau, thì trước sau gì, hôn nhân cũng tan vỡ…
Đàn ông luôn muốn, trong gia đình, họ phải là người quyết đoán mọi chuyện và đàn bà chỉ có quyền tham gia, không có quyền quyết. Nhưng khi đồng tiền đã chi phối và nó chi phối cả địa vị của người đàn bà trong gia đình thì lại là điều hoàn toàn khác.
Chị giỏi hơn chồng, điều ấy không chỉ có người trong nhà biết mà ai cũng biết. Chồng chị cũng chỉ làm công ăn lương bình thường. Chị cũng làm công ăn lương nhưng chị có vị trí, công việc của chị tốt và tất nhiên, thu nhập của chị hơn anh gấp bội. Tiền anh kiếm được chỉ bằng số tiền nhỏ vô cùng mà chị có. Nên, tiền của anh, anh tự túc các khoản chi tiêu của mình, tiền của chị, tất cả để lo cho gia đình, bố mẹ, con cái, sắm sửa trong nhà.
Con cái mới là những nạn nhân của vụ ly hôn đau khổ này. Họ không còn cảm thấy yêu thương nhau nữa và quyết định đường ai nấy đi… (Ảnh minh họa)
Chính vì chị có kinh tế nên chị sinh ra những thứ tính khí khác với vai trò của người làm vợ. Người ta nói người có tiền có quyền cũng không có gì sai. Chị có tiền nên bố mẹ chồng nể trọng, tiếng nói của chị trong gia đình chồng, tất nhiên, lúc nào cũng có trọng lượng. Việc gì mẹ chồng cũng gọi con dâu lại để hỏi ý kiến. Còn việc anh có đồng ý hay không, bố mẹ anh cũng không quan tâm nhiều.
Cuộc sống của chị phải nói là như bà hoàng. Đi về, không phải động tay động chân vào bếp núc, mẹ chồng phục vụ hết, có khi lại phê giúp việc đến làm ca để phụ giúp. Mẹ chồng cũng hài lòng vì con dâu giỏi, kiếm tiền, được khoe khoang với hàng xóm. Nhưng bà lại không hiểu, vì bà hay khen ngợi con dâu nên bi kịch gia đình mới bắt đầu xảy ra.
Con trai không cam lòng nhìn vợ mình giỏi giang và hách dịch như vậy. Về nhà ngoại không hỏi. Tiền tiêu vào khoản gì cũng không tham khảo ý kiến của chồng. Vì lúc nào chị cũng có suy nghĩ, ‘tiền của tôi, tôi tiêu gì là việc của tôi, tôi có lấy tiền của anh đâu mà anh phải hỏi. tiền của anh, tôi không động vào một xu’. Có việc lớn nhỏ, anh hỏi tiền chị, tất nhiên, chị tra khảo anh bằng được xem anh dùng tiền vào khoản gì. Đó chính là sự sỉ nhục cho người đàn ông như anh.
Anh cảm thấy trong gia đình này, mình vốn là chủ trong nhà, là con trai của bố mẹ nhưng lại không có tiếng nói gì. Thậm chí bố mẹ anh còn tôn trọng con dâu hơn cả con trai. Họ hàng hai bên cũng đều coi chị là thần tượng, là người giỏi giang còn chồng là kém cỏi.
Hàng xóm láng giềng nhìn anh đi oto, nhìn anh đi xe máy xịn đều nhìn anh bằng con mắt ái ngại. Rằng, chắc lại vợ nó kiếm ra tiền thì mới có những thứ đó mà dùng. Anh bị mang tiếng là ‘bám váy vợ’. Bi kịch gia đình dần xảy ra từ những chuyện nhỏ như vậy…
Anh cảm thấy trong gia đình này, mình vốn là chủ trong nhà, là con trai của bố mẹ nhưng lại không có tiếng nói gì. (Ảnh minh họa)
Anh không có lập trường, bị những lời gièm pha, bị miệng lưỡi thiên hạ làm cho điên đảo. Nào là đàn ông để vợ quản thì hèn lắm, đàn ông mà kém cỏi, tiêu tiền của vợ thì quá hèn. Đàn ông thật không thể khiến cho vợ nó đè đầu cưỡi cổ mình. Rồi nhưng lời đó cứ làm anh cảm thấy khó chịu, anh sinh sự, anh rượu chè, anh về nhà chửi bới, đánh đập vợ con. Mọi chuyện trong nhà anh đều đổ lỗi cho vợ.
Anh ghen tuông thái quá khi ai đó nói vợ anh sao lại giỏi như vậy, hay là cặp kè với ai. Bi kịch gia đình cứ thế ập đến. Vợ không chịu được tính khí của chồng, tức tối rồi tìm niềm vui và công việc. Tình cảm vợ chồng càng ngày càng lạnh nhạt, càng khó chịu, càng khiến tất cả mọi người rơi vào bế tắc và cuối cùng thì cãi vã, đánh chửi nhau.
Vợ khinh chồng, chồng khinh vợ. Tất cả bi kịch xảy ra chỉ vì vợ giỏi hơn chồng. Một người phụ nữ giỏi không biết dung hòa cuộc sống lại luôn coi thường chồng và chiếm vị trí thượng phong trong gia đình. Một người đàn ông vợ giỏi nhưng lại luôn bị tác động từ bên ngoài, không biết góp ý với vợ mà lại luôn đa nghi, khó chịu, cảm giác tủi hèn… Tất cả đã khiến cho bi kịch gia đình xảy ra. Chồng đâm vũ phu, vợ thì cao ngạo… Và cuối cùng, họ bỏ nhau, ly hôn với nhau vì thế…
Con cái mới là những nạn nhân của vụ ly hôn đau khổ này. Họ không còn cảm thấy yêu thương nhau nữa và quyết định đường ai nấy đi…
Nếu ai đó nói, không hợp nhau thì ly hôn, cũng đúng. Nhưng với một cuộc hôn nhân, ly hôn chính là giải pháp cuối cùng và xấu nhất. Chẳng ai muốn lìa xa, chẳng ai muốn chia tay khi họ còn yêu nhau, và cũng chẳng ai muốn con cái không được có bố, có mẹ. Chị và anh là bi kịch hôn nhân từ chuyện vợ giỏi hơn chồng cũng chỉ vì cả hai không chịu hiểu nhau, không biết lựa chọn cách sống phù hợp. Ở đời này, vợ giỏi hơn chồng đâu phải là chuyện hiếm, vì đâu có ai quy định đàn ông phải giỏi hơn vợ. Chỉ là, họ không biết chọn cách cư xử, cách sống và cách dung hòa giữ hạnh phúc của chính mình.
Chuyện của anh chị cũng chính là bài học thức tỉnh tất cả các gia đình đang trong hoàn cảnh như vậy. Chỉ hi vọng, đã là vợ chồng thì chúng ta nên xác định, tin tưởng và yêu thương, tôn trọng lẫn nhau…
Tác giả bài viết: Bảo Bảo ghi