Mức phóng xạ ở một số khu vực của Cộng hòa Quần đảo Marshall hiện nay vẫn gần gấp đôi chỉ số được cho là an toàn cho con người sinh sống. Đó là kết luận từ một nghiên cứu mới của trường Đại học Columbia, được đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Quần đảo Marshall trở thành nơi thủ nghiệm các vũ khí hạt nhân Mỹ từ năm 1946 đến 1958. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Trong thời gian từ 1946 đến 1958, Mỹ thử nghiệm tổng cộng 67 vũ khí hạt nhân trên quần đảo Marshall, một chuỗi đảo san hô ở Thái Bình Dương có dân số chỉ khoảng 52.000 người.
Vụ thử nổi tiếng nhất mang tên "Cú bắn Bravo" được thực hiện ở đảo san hô Bikini năm 1954, có sức công phá gấp 1.000 lần quả bom mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật. Các cư dân của đảo Bikini đã phải di tản, và ngày nay đảo vẫn chưa có người ở.
Các nhà nghiên cứu phát hiện, các vật liệu phóng xạ ở Bikini đang phát ra 184 millirem phóng xạ mỗi năm - cao gần gấp đôi chuẩn an toàn 100 millirem mà Mỹ và Cộng hòa Quần đảo Marshall lập định. Một số phần của khu vực chịu mức phát xạ 639 millirem/năm.
Giới khoa học từng dự đoán mức phóng xạ của đảo Bikini chỉ ở mức 16 millirem mỗi năm. Điều này cho thấy, phóng xạ trên thực tế tồn tại lâu hơn nhiều, theo Science News.
Quần đảo Marshall nhỏ bé ở Thái Bình Dương
Có một tin vui cho người dân Marshall: 5 đảo khác của họ được phân tích trong nghiên cứu hiện ở tình trạng an toàn, thấp hơn chuẩn phóng xạ 100 millirem/năm. Kết quả này có thể giúp dọn đường cho nhiều công dân Marshall trở về nhà. Hiện nay, gần một nửa dân số Marshall sống tập trung ở khu đô thị lớn Majuro.
Thử nghiệm hạt nhân của Mỹ vẫn là một phần không thể xóa mờ trong tâm thức của người dân Cộng hòa Quần đảo Marshall, và các nhà chức trách nơi đây đến nay vẫn tiếp tục đấu tranh cho giải trừ hạt nhân toàn cầu. Hồi tháng 3, trong một nỗ lực mang tính biểu tượng, quốc đảo này đã kiện Anh, Ấn Độ và Pakistan để ép ba nước giải giáp các kho hạt nhân của mình.
Các nhà khoa học khuyến cáo cần tiến hành thêm nhiều thí nghiệm nữa về các nguồn thực phẩm và nước trên đảo, để xác định chúng có an toàn cho con người sinh sống hay không.
Tác giả bài viết: Thanh Hảo