Xã hội

Bí ẩn đường hầm cổ dưới lòng đất tháp cổ Mỹ Sơn

Ngay sau khi phát hiện một đường hầm dưới lòng đất dẫn vào tháp cổ Mỹ Sơn vào giữa tháng 4 vừa qua, các nhà nghiên cứu và khảo cổ học vẫn chưa thể giải mã những bí ẩn con đường hầm dưới lòng đất dẫn vào khu tháp cổ Mỹ Sơn tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Giữa tháng 4/2017, nhóm chuyên gia Ấn Độ và các nhà khảo cổ Việt Nam phối hợp khai quật khu tháp K, tháp H trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam để tìm hiểu và làm cơ sở tiến hành cho khu tháp này.

Sau nhiều ngày khai quật, các nhà khảo cổ đã phát lộ nhiều hiện vật có giá trị khảo cổ. Trong đó có 2 tượng đá mình người, đầu sư tử, các hiện vật chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung bị vùi lấp dưới chân khu tháp cổ.

Một phần đoạn đầu của đường cổ và hai bờ tường dẫn sau tháp K mới vừa phát lộ.

Điều khiến các chuyên gia và nhà khảo cổ ngạc nhiên lần đầu tiên nhìn thấy một đường hầm dưới lòng đất được xây bằng gạch dẫn vào các khu tháp cổ này.

Theo các chuyên gia và nhà khảo cổ đang có mặt tại hiện trường khai quật nhận định ban đầu các hiện vật vừa tìm thấy có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K, tức vào thế kỷ XI đến thế kỷ XII.

Tuy nhiên khi hỏi về đường hầm dẫn vào khu tháp cổ được xây bằng gạch vẫn còn tồn tại hai bức tường bằng gạch vừa mới phát lộ có điểm xuất phát từ phía sau khu tháp K nhưng kéo dài đến đâu và được xây dựng trong thời kỳ nào thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với các chuyên gia và các nhà khảo cổ.

Các chuyên gia đang tiếp tục khai quật tại khu tháp K này nhận định ban đầu có thể điểm cuối của con đường hầm dưới lòng đất này dẫn vào khu vực hành lễ tại trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn đã bị vùi lấp dưới lòng đất do nhiều nguyên nhân chưa xác định được.

Bảo tồn và rùng tu một phần đường cổ và tường dẫn.

Ông B. KUMAR - Kỹ sư, nhà khảo cổ học Ấn Độ, Trưởng nhóm trùng tu tôn tạo Di sản Mỹ Sơn cho biết: "Khi bắt đầu khai quật khu vực chân tháp K khoảng 15 mét để thực hiện việc gia cố cho tháp, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã sửng sốt khi phát hiện ra dấu tích của một con đường hầm cổ.

Điều khá bất ngờ với các nhà khoa học và các chuyên gia khảo cổ là sau khi phát hiện đường hầm từ khu tháp K được xây dựng hệ thống tường gạch rộng 8 mét, nằm giữa 2 bờ tường dẫn song song với nhau.

Bờ tường dẫn mỗi bên rộng 0,6 mét, móng tường dẫn nằm sâu cách mặt đất khoảng 1 mét và được xây bằng gạch một cách chắc chắn, nhiều đoạn tường dẫn còn khá nguyên vẹn".

Để bảo tồn di sản quý giá, trong đợt trùng tu này, các chuyên gia vừa trùng tu chống đổ ngã cho tháp K, vừa trùng tu, bảo tồn đoạn đầu của con đường và hai tường dẫn khoảng 50 mét. Phần còn lại của con đường cổ và hai bờ tường dẫn hiện vẫn còn ẩn chìm trong lòng đất Mỹ Sơn đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa thể giải mã được phải chờ thời gian nghiên cứu.

Vật liệu khai quật từ hai bờ tường dẫn được bảo quản một cách cẩn thận để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình trùng tu.


Tác giả: Vũ Trung

Nguồn: Báo Vietnamnet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP