Theo tờ National Post, hồi năm 2015, cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt chiến dịch bí mật tại Canada để đưa những quan chức tham nhũng và rửa tiền về nước.
Nghi phạm Lai Changxing bị đưa về Trung Quốc năm 2011.
Giới chức thành phố Vancouver không hề tiết lộ thông tin nào về chiến dịch này của Trung Quốc trên đất Canada, nhưng theo Tân Hoa Xã, các điệp viên nước này đã tới Canada và các quốc gia khác để tiến hành các chiến dịch ‘Săn Cáo’ và ‘Lưới trời’.
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng cho biết, ông Liu Dong – Phó giám đốc đơn vị chống tội phạm kinh tế của Bộ Công An Trung Quốc chính là người đứng đầu nhóm hơn 20 ‘thợ săn’ trong chiến dịch ‘Săn Cáo’ khét tiếng của Bắc Kinh.
Theo lời ông Liu Dong, nhóm của ông gồm toàn các thành viên trong độ tuổi 30, thậm chí có người mới ngoài 20 tuổi.
Sở dĩ đội ‘thợ săn’ này toàn những điệp viên trẻ tuổi, là vì chiến dịch đòi hỏi thành viên phải có sức khỏe, có khả năng bền bỉ kéo dài nhiều giờ, và thường xuyên đi dài ngày và công tác xa.
Ba tiêu chí hàng đầu để tuyển chọn nên biệt đội này bao gồm: kỹ năng thẩm vấn, kiến thức về pháp lý và các kỹ năng ngoại ngữ.
“Bên cạnh đó, thành viên đội ‘Săn Cáo’ còn phải có trí tuệ để ứng phó với những ‘con cáo’ ranh ma, chỉ số trí tuệ cảm xúc cao để hợp tác trơn tru với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực liên quan ở nước sở tại, và khả năng đối phó với nghịch cảnh trong những trường hợp khẩn cấp, khó khăn và hiểm nguy” – ông Liu Dong cho biết thêm.
Hầu hết thành viên trong biệt đội này còn phải có bằng thạc sĩ, và chuyên ngành chính của họ là kinh tế, luật và điều tra. Một số người khác tốt nghiệp ngành ngoại ngữ và quản trị doanh nghiệp.
Khi tác chiến tại các nước sở tại, thành viên biệt đội thường hoạt động dưới các vỏ bọc khác nhau. Công việc của họ thường xuyên có những rủi ro rình rập, chẳng hạn như nhiễm dịch bệnh, dính líu vào các cuộc xung đột và sự phản kháng của phía sở tại.
Zhang Jianping
Thông thường, truyền thông Trung Quốc luôn ca ngợi các chiến công của biệt đội ‘Săn Cáo’ mỗi khi họ dẫn độ được một nhân vật tầm cỡ về nước. Tuy nhiên, với một chiến dịch lớn như bắt Zhang Jianping mới đây, Bắc Kinh lại khá chắt lọc thông tin.
Với một loạt công nghệ nhận diện khuôn mặt tinh vi và dữ liệu lớn, các nhà chức trách Trung Quốc nói rằng, họ nhận ra một người đàn ông đang xuất hiện tại Sân bay Quốc tế Pudong tại Thượng Hải hôm 20/1/2015.
Người này mang hộ chiếu Australia với tên Zhang Jianping. Bắc Kinh nói rằng, Zhang chính là Xie Renliang - một nhân vật đã bỏ trốn cách đây 15 năm, sau khi lừa các nhà đầu tư và một cơ quan chứng khoán nhà nước 91 triệu Nhân dân tệ (18,7 triệu USD).
Tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng, chính công nghệ hiện đại đã khiến Zhang sa lưới. Trên trang nhất của họ đăng tiêu đề bài viết: “Công nghệ cao đã mang lại sức mạnh cho Chiến dịch Săn Cáo”.
Điểm mâu thuẫn là, trông ‘vẻ ngoài’ của Zhang không hề khớp với nhận diện theo công nghệ hiện đại của Bắc Kinh.
Trong khi đó, tờ AFR Weekend đưa tin rất khác, cho rằng Zhang không ẩn náu ở Australia mà có vẻ như đã trở lại Trung Quốc và sinh sống hầu như 15 năm qua. Zhang quản lý một nông trại 50 héc-ta tại đảo Hải Nam, nuôi ba ba và lươn, làm nông trại.
Những thông tin này làm sáng tỏ việc bắt Zhang không hẳn nhờ vào công nghệ cao, mà chính là nhờ kỹ năng cơ bản của cảnh sát. Cảnh sát phát hiện ra con trai của Zhang vẫn ở Trung Quốc, thường xuyên gọi đến một số máy lạ ở đảo Hải Nam. Thay vì tới đảo Hải Nam để bắt Zhang, thì cảnh sát lại chờ đến khi Zhang bay tới Sydney và bắt người này khi ông ta trở về Trung Quốc.
Với đội ngũ không quá đông, nhưng biệt đội ‘Săn Cáo’ đã áp tải hơn 850 người bỏ trốn về nước. Nhưng chiến dịch này vấp phải nhiều trở ngại từ các nước sở tại. Lâu nay, Canada, Australia và Mỹ được cho là những điểm đến hàng đầu cho những quan chức tham nhũng của Trung Quốc rửa tiền và ẩn náu. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề có thỏa thuận dẫn độ tội phạm với các quốc gia này.
Chuyến công du của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Canada vừa qua bị phủ bóng bởi một vấn đề ít công khai nhưng hết sức nhạy cảm cho cả hai nước. Theo tờ CBC, đó là vấn đề hàng loạt điệp viên của Trung Quốc đang gây phiền phức cho một số người mang quốc tịch Canada, nhằm áp giải họ về nước để thẩm vấn trong nhiều vụ án.
Truyền thông Bắc Kinh nói rằng, những điệp viên ngầm của họ đã ‘thuyết phục’ những người bỏ trốn về nước chịu án, nhưng phía Australia và Mỹ lại phản đối cách thức làm việc này.
Washington mới đây thậm chí còn cảnh báo Bắc Kinh về việc các điệp viên Trung Quốc hoạt động bí mật trên đất Mỹ trong chiến dịch săn quan chức tham nhũng bỏ trốn. Còn Trung Quốc lại chỉ trích Mỹ vì thái độ ‘bất hợp tác’, và cho rằng Mỹ đang trở thành thiên đường cho tội phạm Trung Quốc.
Tác giả bài viết: Lê Thu