Bi kịch gia đình sau vụ tai nạn lao động
Bé Nguyễn Thế Điệp (4 tuổi, ngụ xóm 9, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) khoác trên mình bộ quần áo màu vàng, dáng người nhỏ thó, da rám nắng, ngồi bệt giữa nền nhà. Khuôn mặt đứa trẻ hướng ra phía đầu ngõ như để ngóng trông, chờ đợi một ai đó. Khi được hỏi, Điệp cúi mặt, lí nhí đáp "cháu đang đợi mẹ, đợi em về nhà".
Cách nơi Điệp ngồi khoảng 3 bước chân, anh Nguyễn Thế Lan (27 tuổi, bố của Điệp) đang nằm lặng trên chiếc giường. Khuôn mặt người đàn ông lờ đờ, vô thức. Mái tóc cắt ngắn, để lộ một vết sẹo dài kéo từ thái dương bên phải sang thái dương bên trái. Thấy người lạ vào, anh cũng chỉ nằm yên một chỗ, không chút phản ứng.
"Ngày bố gặp nạn, mẹ ôm đứa em nhỏ bỏ đi, tâm tính của Điệp cũng thay đổi hẳn. Từ một đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn giờ nó suốt ngày ngồi thui thủi ở góc nhà, không chuyện trò, cười nói, cũng chẳng vui chơi với những đứa trẻ trong xóm nữa", ông Nguyễn Thế Kiên (59 tuổi, ông nội của Điệp) thở dài chia sẻ.
Mới lên 4 tuổi, cháu bé đã phải sống trong cảnh gia đình li tan |
Căn nhà nhỏ của gia đình cháu Điệp giờ chỉ còn lại hai cha con thui thủi. |
Nhắc trước đây, Điệp từng có một mái ấm gia đình trọn vẹn như bao đứa trẻ khác. Được sống trọn hạnh phúc trong đầy đủ tình yêu thương của mẹ lẫn cha. Thế nhưng, sau biến cố của một vụ tai nạn lao động, gia đình Điệp tan nát.
Ngày 10/8/2018, anh Lan là thợ cơ khí, đi lắp mái tôn cho khách hàng. Khi đang làm trên cao thì không may giàn giáo sập, anh Lan bị ngã từ trên xuống, đầu đập mạnh xuống nền sân xi măng, bất tỉnh trên vũng máu.
Được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng vì vết thương quá nặng, anh Lan sau đó được chuyển thẳng ra bệnh viện Việt Đức. Bác sỹ chuẩn đoán anh bị chấn thương não nặng, phải phẫu thuật gấp để lấy não nuôi nhân tạo. Đợi khi anh tỉnh lại mới tiến hành phẫu thuật ghép não.
Sau gần 2 tháng điều trị, anh Lan may mắn trở về nhưng lại mất hết nhận thức, mọi sinh hoạt hoàn toàn phụ thuộc vào người thân. Anh Lan trở về chưa được bao lâu thì người vợ là chị Nguyễn Thị Hà (26 tuổi) ôm cậu con trai út mới 2 tuổi bỏ đi biệt tích.
"Thời gian con trai tôi mới trở về, biết con dâu thường hay hắt hủi, thậm chí đánh đập nhưng vợ chồng tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng. Tôi chỉ nhắc nhở con dâu rằng khi khỏe mạnh, chồng đã cố gắng bươn chải, làm lụng để nuôi 3 mẹ con, chăm lo cuộc sống gia đình. Giờ chẳng may nó gặp nạn, thì hãy thương yêu, đùm bọc. Thế nhưng, con dâu tôi nào chịu nghe.
Đêm hôm con dâu ôm thằng nhỏ bỏ đi, vợ chồng tôi nhìn thấy đó, nhưng đành chấp nhận chứ biết làm sao bây giờ. Con tôi giờ như thế, tôi cũng chẳng giám trách ai, chỉ trách lòng người giờ sao quá bạc bẽo", bà Hoàng Thị Hồng (57 tuổi, bà nội của Điệp) kể lại trong nước mắt.
Nỗi lòng trẻ thơ
Vợ chồng anh Lan cưới nhau được gần 5 năm, có hai mặt con (đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ lên 2). Từ ngày mẹ ôm em bỏ đi đến nay chưa một lần quay về ghé thăm bố con Điệp, cũng không điện thoại hỏi thăm. Gia đình chỉ nghe phong phanh mẹ Điệp gửi em trai lại cho ông bà ngoại nuôi dưỡng rồi đi làm ăn xa. Đã nửa năm nay anh em Điệp cũng chưa được gặp nhau lần nào. Nỗi nhớ mẹ, nhớ em cồn cào, da diết khiến khuôn mặt đứa trẻ lúc nào cũng buồn bả, rưng rưng nước mắt. Tối đến, Điệp lại bắt bà dẫn đi tìm mẹ, tìm em.
Đã 4 tuổi nhưng Điệp vẫn chưa có cơ hội đến trường mầm non |
Kể từ ngày mẹ ôm em trai bỏ đi, bố con Điệp sống dựa vào ông bà nội bệnh tật. |
Gia đình anh Lan thuộc hộ khó khăn trong xã |
Nhắc đến tình hình sức khỏe hiện tại của con trai, bà Hồng lại thở dài: "Từ ngày xuất viện trở về, con tôi chẳng bằng một đứa trẻ con, đói không biết kêu, khát không biết lấy nước uống. Ai cho ăn thì nó ăn, cho uống thì uống. Ăn uống cũng chẳng biết bao nhiêu là đủ. Nó bắt đầu tập đi lại được nhưng vệ sinh vẫn chưa thể tự chủ.
Người thân thì lúc biết lúc không. Khi ai đó nhắc đến vợ con thì nước mắt cứ vậy chảy dài. Chắc nó cũng đang rất nhớ vợ con".
Ông Đậu Đức Thái (bí thư xóm 9, xã Quỳnh Văn) chi biết, vợ chồng bà Hồng làm nông nghiệp, cuộc sống phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Bà Hồng mắc bệnh tiểu đường hơn 5 năm nay. Ông Kiên bị bệnh phổi nặng. Họ quanh năm thay nhau nằm viện nhiều hơn ở nhà. Nay con trai gặp nạn, con dâu bỏ đi nên dù bệnh tật, vợ chồng bà Hồng vẫn cố gắng bươn chải kiếm tiền nuôi con nuôi cháu. Đó là chưa kể khoản tiền hàng trăm triệu đồng họ vay mượn trước đây để trang trải, chữa trị cho con lúc gặp nạn.
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên đến nay, dù đã 4 tuổi nhưng Điệp vẫn chưa được đến trường như những đứa trẻ khác. Hàng ngày, đứa trẻ chỉ biết quanh quẩn góc nhà thui thủi bên người cha bệnh tật.
Chia tay đứa trẻ bất hạnh, ngước nhìn lại vẫn thấy Điệp đứng đó, bên song cửa sổ nhìn ra ngoài, giọng run run: "Cô đi ra đó, thấy mẹ, thấy em thì gọi về cho cháu nhé. Mẹ bế em đi mãi không về. Cháu nhớ mẹ, nhớ em nhiều lắm".
Mọi đóng góp hảo tâm cho bố con cháu Điệp xin vui lòng gửi về địa chỉ: Ông Nguyễn Thế Kiên (ông nội bé Điệp), xóm 9, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. ĐT: 01638. 536.412 Hoặc STK của ông Kiên: 51510000343983, ngân hàng BIDV, chi nhánh Phủ Diễn. |
Tác giả: Nhã Hoàng
Nguồn tin: Theo Thời đại