Tin địa phương

Bế mạc Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngày 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) khóa XIV tiến hành phiên họp thứ 26 theo hình thức trực tuyến toàn quốc để chất vấn đối với các thành viên Chính phủ về các nhóm vấn đề thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm…

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, các Phó Chủ tịch QH chủ trì và điều hành phiên chất vấn. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH và một số Bộ trưởng đến dự. Tại điểm cầu trực tuyến TP Cần Thơ, đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu QH đơn vị thành phố; các đại biểu QH đơn vị thành phố, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành thành phố đến dự.

Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Ảnh: ANH DŨNG

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu QH đặt vấn đề, nước ta DTTS chiếm hơn 14% dân số, nhưng tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức chung, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ bằng 1/5 mức bình quân chung cả nước; nhiều hộ đồng bào DTTS còn thiếu đất ở, đất sản xuất; ở vùng đồng bào DTTS, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và nước sạch sinh hoạt còn yếu và thiếu thốn. Một số đại biểu QH băn khoăn, tình trạng du canh, du cư của đồng bào DTTS hiện nay còn nhiều; vẫn còn nhiều gia đình đồng bào DTTS chưa ổn định cuộc sống do xây dựng dự án thủy điện… Nhiều đại biểu QH cho rằng, việc Bộ Công an cấp hơn 500 biển số xe 80A, 80B cho doanh nghiệp đã gây bức xúc trong nhân dân; tình trạng xâm hại trẻ em chưa giảm; nhiều vụ cướp giật tại thành phố lớn rất táo tợn, gây nguy hiểm cho người dân, nhất là tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều đại biểu QH lo lắng tình trạng gian lận trong thi cử xảy ra ở một số địa phương gần đây; cả nước vẫn còn xảy ra nhiều vụ giết người dã man; vấn nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê đang diễn biến phức tạp… Các đại biểu QH đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT), Bộ trưởng Bộ Công an và các lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cho biết trách nhiệm và giải pháp nhằm giải quyết có hiệu quả trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu đặt ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cho biết, đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 1,64 triệu hộ nghèo, trong đó hộ đồng bào DTTS chiếm 52,66%. UBDT đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020; Quyết định phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025. Theo đó, đồng bào DTTS được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí sắp xếp ổn định dân cư và hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyết định, do nhiều nguyên nhân nên kết quả chưa được như ý muốn. UBDT đã và đang phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển hạ tầng đồng bộ để kết nối và rút ngắn khoảng cách giữa vùng đồng bào DTTS với vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, có chính sách ổn định dân cư, đầu tư giải quyết nước sinh hoạt, bố trí đất sản xuất và tìm đầu ra cho hàng hóa nông sản và đẩy mạnh đào tạo nghề cho đồng bào DTTS. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT và lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng nguyên nhân đồng bào DTTS du canh, du cư tự phát là do đời sống gặp khó khăn, công tác quản lý Nhà nước của các ngành và địa phương chưa tốt… Cả nước hiện có có 193 dự án thủy lợi và thủy điện, để bà con ổn định cuộc sống, UBDT và các bộ, ngành đang tham mưu Chính phủ phê duyệt đề án tái định cư, ổn định cuộc sống cho hàng chục ngàn hộ dân; đã đề nghị Chính phủ phê duyệt 1.600 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương gia cố hồ đập bảo đảm an toàn…

Trả lời chất vấn các đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm, cho biết, đến nay, chỉ còn khoảng 20 biển số xe 80A, 80B cấp cho doanh nghiệp chưa thu hồi được, nguyên nhân là do các doanh nghiệp đã giải tán nên đang truy tìm. Bộ trưởng Công an thông tin, thời gian qua, ở các thành phố lớn, số vụ phạm pháp hình sự chiếm tỷ lệ 25% toàn quốc, Bộ đã chỉ đạo các lực lượng của Bộ phối hợp với công an các địa phương tăng cường đấu tranh và có giải pháp phòng chống nên tỷ lệ phá án ở các thành phố lớn đạt hiệu quả, nhất là loại tội phạm cướp giật. Trong 5 năm gần đây, cả nước xảy ra khoảng 1.000 vụ giết người, trong đó nhiều vụ giết người dã man (có từ 15%-17% vụ giết người thân trong gia đình), nguyên nhân chính là do sự xuống cấp đạo đức xã hội, tác động tiêu cực của mạng xã hội, một bộ phận người dân sống chạy theo đồng tiền, coi thường pháp luật... Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các tội phạm về tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo để điều tra, xử lý gian lận trong thi cử; tăng cường nắm chặt tình hình, kịp thời xử lý nghiêm những đối tượng xấu, không để xảy ra tình trạng kích động, xuyên tạc, lôi kéo người dân gây rối, biểu tình như thời gian qua ở một số địa phương.

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao tinh thần chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, có trọng tâm, trọng điểm của các đại biểu QH và thành viên Chính phủ. Chủ tịch QH mong muốn với trách nhiệm của mình, các đại biểu QH, các thành viên Chính phủ và các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương sẽ thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào DTTS và công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm.

Chiều 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của Phiên họp thứ 26.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, sau một ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, Phiên chất vấn đối với hai Bộ trưởng, gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã hoàn thành theo đúng chương trình đề ra.

Tác giả: ANH DŨNG

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP