Trong nước

Bế mạc Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, ngày 12/7, Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, các nội dung được xem xét kỹ lưỡng, đạt được sự thống nhất và đồng thuận cao.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 6/2022 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 5/2022); Xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu; Tổng kết kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Cho ý kiến về báo cáo kết quả khảo sát tiến độ xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông.

Đối với các Nghị quyết được Ủy ban Thường Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, sớm trình xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành càng sớm càng tốt. Đặc biệt, đối với Nghị quyết về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trình Chủ tịch Quốc hội ký trong tuần này để Chính phủ, Thủ tướng có cơ sở pháp lý triển khai dự án hết sức quan trọng.

Đối với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan sớm chuẩn bị dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối, trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký.

Về Nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với chủ trương và nội dung chính của dự thảo nghị quyết này; đồng thời đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp tục chỉ đạo và giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo nghị quyết để ban hành trong tháng 7/2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ động rà soát tất cả các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4.

Theo đó, dự kiến Kỳ họp thứ 4 sẽ có 7 dự án luật được thông qua, 6 dự án luật cho ý kiến lần đầu, trong đó có dự án Luật về đất đai, vì vậy trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất nặng nề. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ động lấy ý kiến các cơ quan, báo cáo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nghiên cứu xây dựng chi tiết chương trình của phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 8, tháng 9, tháng 10, trong đó có thể bố trí các phiên họp chuyên đề, với tinh thần linh hoạt, không chờ đến mùng 10 hàng tháng mới tổ chức họp.

Nội dung liên quan đến đề án, nghị quyết do các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị có thể bố trí họp sớm; các dự án luật chuẩn bị sớm có thể tổ chức phiên họp về công tác xây dựng pháp luật ngoài phiên họp thường kỳ, tránh tình trạng một phiên họp kéo dài và chia thành nhiều đợt.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động triển khai theo dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 4; có kế hoạch mời đại biểu tham gia dự thính phiên họp Quốc hội, chủ động lên kế hoạch về các buổi truyền hình trực tiếp phiên họp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam…

Quang cảnh phiên họp sáng 12/7. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 13, sáng cùng ngày, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 19 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Kỳ họp được tổ chức theo hình thức họp tập trung cả kỳ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 5 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 6 dự án luật khác và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác. Các luật, nghị quyết được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Các nội dung cũng như các điều kiện đảm bảo tại kỳ họp đều được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, đúng quy định của pháp luật.

Công tác lập pháp của Kỳ họp và được tiến hành đúng quy trình, thủ tục theo quy định; các luật, nghị quyết được thông qua có nhiều chính sách mới, tiến bộ, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn bám sát yêu cầu của thực tiễn, phản ánh nguyện vọng của cử tri và nhân dân….

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, thành công của Kỳ họp tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng; công tác phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nội dung của kỳ họp; sự nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội, cùng sự quan tâm, ủng hộ, giám sát chặt chẽ của cử tri và nhân dân cả nước. Kết quả của Kỳ họp được các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin nhanh chóng, đầy đủ, khách quan từng ngày cả trước, trong và sau Kỳ họp.

Về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội dự kiến họp tập trung cả kỳ trong 22 ngày, trong đó dành 10,5 ngày cho công tác lập pháp; 9,5 ngày cho ý kiến về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; 1 ngày cho phiên trù bị, khai mạc, bế mạc, thông qua một số luật, nghị quyết và dự phòng 1 ngày.

Tác giả: P.V

Nguồn tin: Báo Tin tức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP