Nhân ái

Bé gái bỏng nặng do ngã vào bếp lửa cầu cứu

Chỉ trong phút sơ ý bất cẩn của người lớn, bé Lệ Tuyết bị ngã vào bếp lửa dẫn tới bỏng nặng. Cha mẹ nghèo khó, cơ hội chạy chữa cho con đang dần khép lại.

Tình cảnh của cô bé Mạ Thị Lệ Tuyết (10 tháng tuổi, dân tộc H’Mông) khiến nhiều người rơi nước mắt. Bé bị ngã vào bếp lửa dẫn tới bỏng nặng ở hai tay, mặt và cổ, tính mạng gặp hiểm nguy trong khi cha mẹ lại quá nghèo.

Bé Tuyết là con gái đầu lòng của anh Mạ Văn Nó (SN 1988) và chị Lý Thị Băng (SN 2001), ở xóm Ràng Khoen, xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Hiện bé đang được điều trị tại Khoa bỏng trẻ em, Viện bỏng Quốc gia Hà Nội.

“Có lẽ nhìn thấy máy ảnh của anh cứ chớp chớp nên cháu sợ”. Chị Băng nói khi thấy con giật mình khóc trước phóng viên. Những ngày qua, bé Lệ Tuyết đã phải trải qua quãng thời gian đau đớn, đối diện với nhiều ca phẫu thuật. Cơ thể mới nhỏ xíu đã hình thành nỗi sợ dao kéo đến mức, mỗi lần nhìn thấy người lạ mang theo vật dụng, bé lại giật mình nức nở.

Vừa dỗ dành con, đưa tay gạt vội đi những giọt nước mắt đang rơi, chị Băng nghẹn ngào nhớ lại. Buổi chiều định mệnh 29/11, Tuyết ở nhà cùng bà nội tuổi đã cao trong khi vợ chồng chị đi làm nương. Trong lúc bà nội ra ngoài cho lợn ăn, bé chơi trong nhà không may bị ngã vào bếp lửa đang cháy ngùn ngụt. Chỉ trong chốc lát, cơ thể bé bị bỏng nặng, đặc biệt là ở hai tay, vùng mặt và cổ.

Sau khi sự việc xảy ra, bé đã được đưa đến bệnh viện huyện rồi chuyển lên tỉnh cấp cứu. Do tình trạng bỏng nặng phức tạp, các bác sĩ đã chuyển gấp bé lên Viện Bỏng Quốc gia tiếp tục điều trị.

Mạ Thị Lệ Tuyết

Cô bé liên tục khóc ngằn ngặt vì đau

Bác sĩ điều trị trực tiếp cho biết: “Bệnh nhân Mạ Thị Lệ Tuyết bị bỏng lửa 16%, trong đó bỏng độ 4,5 mặt, cổ, tai, cánh tay phải. Phần mặt của bé bị ngã vào bếp nên tình trạng vô cùng nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và toàn bộ vành tai phải. Không những vậy, cô bé còn bị hoại tử độ 5 ngón 2, 3, 4, 5 bàn tay phải. Hiện bé đã trải qua 4 lần phẫu thuật, dự kiến phải phẫu ít nhất 2 đến 3 lần nữa mới có cơ hội khỏe lại”.

Kể từ ngày con gái gặp nạn, vợ chồng anh Nó, chị Bằng lúc nào cũng quýnh quáng lo lắng. Hai người thay phiên nhau thức trông con cả ngày lẫn đêm, không ai dám chợp mắt. Bé Lệ Tuyết khóc lóc liên tục, đặc biệt là vào ban đêm, bé khóc gần như không ngớt khóc bởi vết bỏng gây ra quá nhiều đau đớn.

Con bị tai nạn kinh hoàng cần rất nhiều tiền để điều trị nhưng hoàn cảnh của vợ chồng anh Nó lại quá đỗi éo le. Anh chị là người dân tộc thiểu số, kinh tế chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Vừa cưới nhau chưa lâu rồi sinh con, cuộc sống còn gặp nhiều thiếu thốn.

Mạ Thị Lệ Tuyết

Mạ Thị Lệ Tuyết

Những vết thương rướm máu khiến người lớn cũng phải rùng mình sợ hãi

Không việc làm, không một xu dính túi, khi tai họa ập đến, để có tiền cho con cấp cứu, anh chị phải vay mượn nhiều người mới được 2 triệu đồng đóng tạm ứng viện phí. Số tiền còn lại đành xin bệnh viện cho khất nợ.

Những ngày xuống Hà Nội trông con, vợ chồng anh Nó không dám thuê nhà trọ mà cứ túc trực tại bệnh viện, lúc hành lang lúc phòng bệnh. Bữa cơm hàng ngày, anh chị cũng chỉ dám ăn chiếc bánh mì và đợi những suất cơm từ thiện.

Mạ Thị Lệ Tuyết

Anh Nó lo lắng cho số phận của con

Mặc dù bé Lệ Tuyết là người dân tộc, được bảo hiểm hỗ trợ 100% nhưng những loại thuốc sử dụng ngoài danh mục bảo hiểm mới đáp ứng được. Hơn nữa, cuộc chiến sinh tử của bé là cả chặng đường dài chứ không phải ngày một, ngày hai nên gia đình vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Sắp tới, bệnh viện sẽ tiếp tục tiến hành phẫu thuật cho bé, nhiều loại chi phí cần trả vô cùng đắt đỏ. Với hoàn cảnh bất lực của gia đình lúc này, cơ hội cho bé Tuyết được phục hồi sức khỏe phụ thuộc hoàn toàn vào tấm lòng hảo tâm, sự ra tay giúp đỡ của Quý bạn đọc.

Mọi đóng góp có thể gửi về:

Anh Mạ Văn Nó/Chị Lý Thị Băng, xóm Ràng Khoen, xã Hạ Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. SĐT 0837513267

Tác giả: Phạm Bắc

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP