TP Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc T.Ư có vị trí trung tâm ĐBSCL, đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không và là địa bàn trọng yếu chiến lược về quốc phòng - an ninh cho toàn khu vực
Để khai thác và phát huy tốt các tiềm năng lợi, ngày 11/1/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Một góc thành phố Cần Thơ. |
6 cơ chế đặc thù lớn
Theo đó, Nghị quyết được thông qua quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Cần Thơ về nhiều lĩnh vực khác nhau. Thứ nhất, về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước: Chính phủ đề xuất TP Cần Thơ có những chính sách để nâng mức nợ vay, điều chỉnh tỷ lệ bổ sung có mục tiêu, quyết định các chính sách phí, lệ phí. TP Cần Thơ được vay thông qua phát hành trái phiếu, vay từ các tổ chức tài chính và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho TP vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách TP Cần Thơ được hưởng theo phân cấp.
Về chính sách phí, lệ phí, HĐND TP Cần Thơ quyết định áp dụng trên địa bàn đối với một số loại phí, lệ phí… Trong đó, ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Đồng thời không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách T.Ư và ngân sách TP Cần Thơ.
Thứ hai, về quản lý đất đai, HĐND TP Cần Thơ quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha theo ủy quyền của Thủ tướng. Thứ ba, về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, cục bộ quy hoạch chung đô thị: Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP Cần Thơ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định.
Thứ tư, về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức: TP thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, HĐND TP Cần Thơ được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách TP và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Thứ năm, các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ đảm bảo một số tiêu chí sẽ được áp dụng các hình thức ưu đãi.
Thứ sáu, áp dụng nhiều cơ chế ưu đãi cho các DN đầu tư tại khu liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Tập trung mọi nguồn lực, đưa Cần Thơ cất cánh
Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, ngay sau khi Nghị quyết 45 được Quốc hội thông qua, TP Cần Thơ đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù này bằng những chương trình, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể. Trên cơ sở đó, giao nhiệm vụ cho các ngành, các cấp có liên quan triển khai thực hiện một cách cụ thể nhất để đảm bảo phát huy tối đa lợi ích của các cơ chế, chính sách.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TPCần Thơ, cơ chế chính sách là nguồn lực để Cần Thơ phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. |
Theo đó, TP thành lập Tổ công tác dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ, đồng thời, phối hợp với Bộ GTVT triển khai chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án này.
Bên cạnh đó, TP đã phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ với 02 khu diện tích 250 ha. Khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo UBND TP tập trung thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan, sớm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện và sớm đưa vào vận hành khai thác.
Về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, năm 2023, số thu ngân sách TP Cần Thơ ước đạt 10.024 tỷ đồng, tổng dư nợ dự kiến đến hết năm 2023 của Cần Thơ là 2.685 tỷ đồng và được vay thêm khoảng 3.329 tỷ đồng. TP đang xây dựng Đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và vay khác, thực hiện trong năm 2024 - 2025 để có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng của TP.
Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND TP triển khai thực hiện các giải pháp và xây dựng đề án tăng thu ngân sách để khai thác hiệu quả các nguồn thu, đảm bảo tăng thu ngân sách, nhằm thực hiện tự chủ và được hưởng các chính sách theo Nghị quyết của Quốc hội.
Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn TP, Thành ủy, Ban Cán sự Đảng lãnh đạo UBND TP đã rà soát cụ thể, chi tiết để xác định các khoản thu có thể thực hiện, không làm ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ, thu hút DN; thực hiện xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè để đỗ xe ô tô; các loại phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí đăng ký giao dịch bảo đảm, bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Dự kiến, UBND TP sẽ trình HĐND TP ban hành Nghị quyết vào kỳ họp cuối năm 2023.
Về quản lý đất, HĐND TP Cần Thơ đã thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất trong năm 2022 tại Nghị quyết số 20 ngày 08/7/2022, trong đó 02 dự án có sử dụng đất trồng lúa trên 10 ha, cụ thể: Dự án đường Vành đai phía Tây với diện tích 157,75ha và Dự án đường Tỉnh 921 với diện tích 22,38ha, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP và quy định hiện hành. Dự kiến UBND TP sẽ trình HĐND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500ha.
Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cơ chế chính sách là nguồn lực để Cần Thơ phát triển đột phá, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Qua đó, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân và các thế hệ lãnh đạo đã dầy công vun đắp, xây dựng TP Cần Thơ như hôm nay. Có thể thấy, các cơ chế, chính sách đặc thù này không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với TP Cần Thơ mà còn là động lực phát triển đối với cả vùng ĐBSCL. Tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù, TP Cần Thơ sẽ tạo thêm các động lực mới để phát triển nhanh và bền vững hơn trong tương lai.
Tác giả: Hồng Thắm
Nguồn tin: kinhtedothi.vn