Tin địa phương

Bắt tay cung ứng nguồn lao động chất lượng cho Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ

Chiều 28/6, lãnh đạo Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Nam Cần Thơ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị.

Lãnh đạo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và Trường Đại học Nam Cần Thơ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai đơn vị. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN


Hai bên sẽ hợp tác kết nối thông tin giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp; hợp tác và phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực: Kinh doanh, thương mại, công nghiệp, xây dựng, kỹ thuật - công nghệ cao, chế biến thực phẩm – thủy sản, xuất nhập khẩu, tiếp vận hậu cần (logistics)…

Tiến sỹ Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, việc hợp tác còn là cầu nối giữa trường với doanh nghiệp để tổ chức cho sinh viên đi thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, từ năm 2013, Trường Đại học Nam Cần Thơ đã tiên phong trong việc xây dựng mô hình “Doanh nghiệp trong trường đại học”, thành lập các đơn vị, câu lạc bộ và đẩy mạnh liên kết hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp. Các hoạt động trên nhằm đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm xuyên suốt và liên tục cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất cho đến khi tốt nghiệp ra trường, để sinh viên thực sự quen thuộc với môi trường làm việc của doanh nghiệp, đơn vị, đồng thời có thể tham gia làm việc như một nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp.

Trên địa bàn Cần Thơ hiện có 7 khu công nghiệp, diện tích quy hoạch 1.151 ha, trong đó có 5 khu công nghiệp dang hoạt động với 258 dự án, sử dụng hơn 41.000 lao động. Ngành nghề hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là chế biến nông, thủy sản, chế biến thực phẩm, may mặc, cơ khí.....

Ông Phạm Duy Tín, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, thời gian qua, có rất nhiều nhà đầu tư đến Cần Thơ tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp, điển hình là Công ty Liên doanh trách nhiệm hữu hạn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, diện tích 900 ha.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ và nhà đầu tư VSIP đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh với diện tích giai đoạn 1 hơn 293 ha, dự kiến động thổ trong năm 2023. Khi khu công nghiệp này đi vào hoạt động, dự kiến sẽ cần khoảng 30.000 – 50.000 lao động.

Giám đốc Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho rằng, việc ký kết hợp tác giữa Ban với Trường Đại học Nam Cần Thơ có ý nghĩa chiến lược về cung ứng nguồn lao động chất lượng cho thành phố trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc hợp tác cũng giúp Trường Đại học Nam Cần Thơ chủ động hơn nữa trong công tác định hướng các ngành nghề tuyển sinh đầu vào, nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, có môi trường phù hợp cho sinh viên thực tập, thực tế; đảm bảo đầu ra cho sinh viên có công ăn việc làm ngay khi ra trường. Về phía doanh nghiệp sẽ có nguồn lao động tại chỗ, đáp ứng kịp thời nhu cầu về số lượng và chất lượng của mình.

Trường Đại học Nam Cần Thơ hiện có hơn 19.000 sinh viên đang theo học tại 41 ngành bậc đại học, 5 ngành bậc thạc sỹ và 1 ngành bậc tiến sỹ. Bên cạnh mảng giáo dục, trường đã thành lập các doanh nghiệp để xây dựng mô hình doanh nghiệp trong trường học cũng như thực hiện liên kết với các tập đoàn trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn thành phố Cần Thơ để đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm xuyên suốt và liên tục cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất cho đến khi tốt nghiệp ra trường, để sinh viên thực sự quen thuộc với môi trường làm việc của doanh nghiệp ngay khi còn đi học./.

Tác giả: Thanh Liêm

Nguồn tin: bnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP