Tin địa phương

Bất cập trong quản lý, điều hành Bệnh viện Phụ nữ - Bài cuối: Mô hình nào phù hợp?

Hàng loạt những bất cập, tồn tại tại Bệnh viện Phụ nữ như giá viện phí cao, cơ chế quản lý lúng túng khiến bệnh viện này chưa phát huy hết ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà người sáng lập hằng mong muốn. Bởi vậy, cần có mô hình phù hợp hơn để Bệnh viện Phụ nữ hoạt động hiệu quả.

Nhiều phụ nữ mong muốn Bệnh viện Phụ nữ có mô hình phù hợp để giá viện phí giảm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lợi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ cho rằng, trong 7 năm đầu hoạt động, Bệnh viện Phụ nữ lỗ vốn vì hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, phải khấu hao tài sản.

Đến nay, số tiền khấu hao đã 42 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2016, bệnh viện làm ăn có lãi và nộp thuế cho Nhà nước, dù chưa nhiều. Hiện tại, Bệnh viện Phụ nữ chủ động trong vận hành, chi trả lương và các hoạt động thường xuyên khác còn Nhà nước không hỗ trợ đồng nào. Vì thế, cứ để nguyên mô hình như hiện nay là sẽ ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, thực tế việc cấp ngân sách để xây dựng bệnh viện ngoài công lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp là trái với quy định của Nhà nước, trái với Luật Ngân sách. Vì thế, khi chúng tôi đặt vấn đề nguồn vốn đầu tư ban đầu, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, UBND thành phố cũng đã giao cho Sở Tài chính chủ trì cùng với các cơ quan chức năng của thành phố nghiên cứu, đề xuất mô hình quản lý, hoạt động đối với Bệnh viện Phụ nữ.

Ông Trung cho rằng, đề xuất của Sở Tài chính là nên cổ phần hóa bệnh viện, trong đó, nguồn vốn ngân sách đầu tư phải do Nhà nước quản lý. Hiện đơn vị đang tiến hành thu thập các báo cáo để làm rõ chi tiết các nguồn đầu tư cho bệnh viên từ trước đến nay. Do thời gian đã lâu, qua nhiều cấp quản lý nên cần có các bước nghiên cứu, thẩm tra, lấy ý kiến của các đơn vị liên quan trước khi báo cáo UBND thành phố.

Đã nhiều lần đến khám bệnh tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, chị Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi, quận Hải Châu) cho biết: “Khám ở Bệnh viện Phụ nữ rất tốt, các y, bác sĩ tận tình, máy móc khá hiện đại nên tôi rất thích. Tuy nhiên, giá cả các dịch vụ ở đây khá cao. Tôi nghĩ, nếu đưa Bệnh viện Phụ nữ trở thành đơn vị công lập hoặc sáp nhập với một bệnh viện công lập như Bệnh viện Phụ sản-Nhi chẳng hạn, có lẽ giá sẽ được giảm xuống thấp hơn hiện nay để phục vụ số đông phụ nữ, cả những người khó khăn nhưng không phải hộ nghèo”.

Không chỉ riêng chị Hoa, nhiều phụ nữ khác cũng đồng ý quan điểm để hoạt động hiệu quả, đúng luật, Bệnh viện Phụ nữ cần được chuyển về mô hình bệnh viện công lập như cách chuyển Bệnh viện Ung thư thành Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng mà HĐND thành phố đã quyết định hồi tháng 7-2015.

Bởi về mô hình và cách thức huy động kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị, vận hành hoạt động, Bệnh viện Phụ nữ là sự thu nhỏ của Bệnh viện Ung thư. Hoặc là Bệnh viện Phụ nữ sáp nhập với Bệnh viện Phụ sản-Nhi vì Bệnh viện Phụ nữ có quy mô quá nhỏ, chỉ có 50 giường, trong khi một bệnh viện tuyến quận như Bệnh viện Đa khoa Hải Châu đã có quy mô lên đến 350 giường bệnh.

Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự ủng hộ, đồng tình của lãnh đạo Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố-đơn vị chủ quản của Bệnh viện Phụ nữ. Ông Huỳnh Văn Hoa, Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố cho rằng, nếu chuyển Bệnh viện Phụ nữ về công lập, sẽ khó huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm, người nghèo sẽ khó nhận được sự hỗ trợ như trước.

Đồng thời, với nguồn kinh phí hằng năm Bệnh viện Phụ nữ nộp về cho Hội, ngoài việc chi hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, còn lại nguồn này được Hội sử dụng vào việc khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư cho phụ nữ trong cộng đồng, một phần trang trải kinh phí nuôi dưỡng gần 100 trẻ mồ côi, thiệt thòi tại Làng Hy Vọng mà Hội đang phụ trách, cùng các hoạt động từ thiện khác như mổ tim bẩm sinh, bữa ăn từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Theo một cán bộ (xin được giấu tên) làm lâu năm trong công tác từ thiện, cách cấp ngân sách để xây dựng các cơ sở y tế, rồi các cơ sở này lại hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, lấy lợi nhuận làm mục tiêu cao nhất đã và đang mang lại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng ngân sách. Điều này cũng tạo kẽ hở cho việc cố ý làm sai quy định của pháp luật.

“Để hài hòa các lợi ích và bảo đảm Bệnh viện Phụ nữ hoạt động đúng quy định, rõ ràng về tài chính, người bệnh được hưởng lợi nhiều nhất, nên chuyển Bệnh viện Phụ nữ sang mô hình bệnh viện công, dưới sự quản lý trực tiếp của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố và sự chỉ đạo chuyên môn, giám sát hoạt động của Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố.

Có như vậy, giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ nữ mới được điều chỉnh giảm, tương đương các bệnh viện công lập. Đồng thời, Bệnh viện Phụ nữ cũng phải rà soát, giảm số lượng lao động dôi dư quá lớn như hiện nay.

Vì theo quy định của Bộ Y tế, Bệnh viện Phụ nữ là bệnh viện chuyên khoa II, tỷ lệ lao động tương ứng từ 1,1 đến 1,4 lao động/1 giường bệnh, tương đương với chỉ từ 55 đến 70 lao động cho 50 giường bệnh”, cán bộ này nói. Các khoản chi sai như khấu hao tài sản lớn, đưa cả đất đai vào khấu hao tài sản… cần được làm rõ và điều chỉnh theo đúng quy định pháp luật.

Khoản chi nộp về cho Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố từ trước đến nay cũng cần được làm rõ, đó là khoản nộp bắt buộc hay Hội phải hoàn trả cho bệnh viện, chứ không thể khấu trừ bằng quyết định giảm vốn điều lệ của Hội tại bệnh viện. Vì nguồn vốn đầu tư ban đầu được cấp từ ngân sách, nếu giảm trừ thì coi như tiền ngân sách bị mất, bởi khoản tiền này đã được Hội sử dụng cho các hoạt động từ thiện từ trước đến nay.

Tác giả: Nhóm P.V VHXH

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP