Trong nước

Bão Haikui diễn biến phức tạp, có thể đổi hướng vào miền Trung

Không khí lạnh tràn xuống có thể khiến bão số 13 đổi hướng quặt xuống Tây Nam, đổ bộ vào miền Trung nước ta.

Sáng nay, bão Haiku đã vào biển Đông, trở thành cơn bão số 13. Lúc 16h chiều nay, bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 710km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính lên tới 110km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm.

Bão số 13 đang di chuyển rất phức tạp, không loại trừ trường hợp vào Trung Trung Bộ. Ảnh: NCHMF

Đến chiều mai, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão tăng lên cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 170km.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm lại theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và còn tiếp tục mạnh thêm.

Đến 16h ngày 12/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 112,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.

Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km; vùng gió mạnh trên cấp 10, gió giật mạnh trên cấp 13 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.

Bão có thể đổi hướng vào miền Trung

Ông Lê Thanh Hải, Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đường đi bão số 13 đang rất phức tạp.

Hiện tại một bộ phận không khí lạnh đang tràn xuống nước ta, có thể làm bão đổi hướng, di chuyển chậm lại, quặt xuống phía Tây Nam.

“Đồng thời, không khí lạnh cũng làm cho cơn bão yếu đi và chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ với hy vọng khi nó cong xuống về phía Trung Trung Bộ sẽ chỉ còn là áp thấp nhiệt đới hoặc bão cấp 8, sau đó sẽ hướng về phía đất liền các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Ngãi”, ông Hải nhận định.

Theo ông Hải, vì là bão cuối mùa nên thường có 2 dạng: Một là bão đi theo hướng parabol, giống như cơn Haiyan xảy ra cách đây 4 năm, đi vào sát ven biển nước ta xong cong lên Quảng Ninh rồi suy yếu, tan dần; Dạng thứ 2 hay gặp là đi vào đất liền nước ta rồi gặp không khí lạnh, bị bẻ cong xuống phía Tây Nam rồi lại vào đất liền.

“Vì bão còn ở khá xa, nên đến thời điểm này, chúng tôi không khẳng định bão đi lên hay cụp xuống. Tuy nhiên, rất nhiều khả năng cơn bão này sẽ tương tác với không khí lạnh và hạ cấp xuống, sau đó thành áp thấp gây mưa cho các địa phương ven biển”, ông Hải nói.

Tác giả: Thúy Hạnh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP