Tế bào ung thư ác tính di căn nhanh
Bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ
11 tuổi, bé Nguyễn Thị M. quê ở Nghệ An đã bị ung thư buồng trứng. Bố của bé cho biết thấy con thường xuyên đau bụng cha mẹ bé tưởng là giun còn mua thuốc giun về tẩy. Chỉ đến khi bụng đau nhiều bé cứ ôm bụng kêu, đi tiểu nhiều lần bố mẹ bé cho con vào bệnh viện tỉnh Nghệ An khám. Bác sĩ siêu âm ổ bụng phát hiện buồng trứng bất thường nên làm thêm các xét nghiệm lâm sàng khác, kết quả, bé M. bị chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn 2B.
Với những lứa tuổi như bé, ung thư buồng trứng rất hiếm vì căn bệnh này thường xảy ra ở phụ nữ nhiều tuổi.
Bác sĩ Phạm Định Tuấn – Trung tâm y tế Lao động Thái Hà cho biết, ông đã từng gặp bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn khi cháu bé mới 2 tuổi. Điều này hết sức bất ngờ bởi ở tuổi đó rất hiếm có bé bị ung thư tinh hoàn như thế này. Với sự trẻ hoá và gia tăng của bệnh ung thư thì những căn bệnh vốn được coi là "của người lớn" đang “hỏi thăm” cả ở trẻ em.
Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, theo ghi nhận của các bác sĩ đã có ca trẻ em mới 9 tuổi đã bị ung thư dạ dày.
Nguyên nhân của các bệnh ung thư đang bị trẻ hoá các chuyên gia cảnh báo có ảnh hưởng từ môi trường sống, từ thực phẩm bẩn và có tác nhân của khói thuốc lá. Nếu bệnh nhân hút thuốc lá thụ động (ngửi phải không khí có khói thuốc) trong cơ thể vốn có gen nhạy cảm với các chất từ khói thuốc gây ra sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Tỷ lệ tử vong cao
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, ung thư là một trong nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến tính mạng con người, chiếm 54% nguyên nhân gây tử vong. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 150.00 trường hợp mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư, cao gấp 7 lần số ca tử vong do TNGT.
Bệnh nhân ung thư phải gánh chịu những hệ lụy tài chính nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong lên đến 55% trong vòng một năm sau khi được chẩn đoán.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 126.000 ca. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ gần 200.000 ca. Tại Việt Nam, ung thư ở nam giới tăng nhanh nhất là phổi, dạ dày, đại trực tràng, thực quản; ở nữ tăng nhanh nhất là ung thư vú, đại trực tràng, dạ dày, tuyến giáp, cổ tử cung.
GS. Nguyễn Bá Đức, Nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết bệnh nhân ung thư không chỉ tăng mà có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, trừ một số ung thư ở trẻ em như ung thư hạch, ung thư máu thì đa phần các loại ung thư thường đến ở người lớn tuổi, từ 60-70 tuổi. Nhưng hiện nay các bệnh viện chuyên khoa ung bướu đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi.
Tại Việt Nam bệnh nhân ung thư được phát hiện đa số ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4) chiếm tới 70% các ca ung thư đến khám và điều trị, nên tỷ lệ tử vong vì ung thư ở Việt Nam được xếp vào cao hơn các nước khác.
Theo khuyến cáo của Giáo sư Nguyễn Bá Đức mỗi người dân nên biết lắng nghe cơ thể mình và phải có thói quen đi khám sàng lọc sớm hàng năm để có phát hiện sớm và điều trị. Nhất là đối với những người có nguy cơ cao như có yêu tố di truyền; hoặc với nam thường hút thuốc lá nên khám sàng lọc ung thư phổi, vòm họng, thực quản, đại trực tràng; nếu ợ chua, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa thì nên sàng lọc ung thư đường tiêu hóa; với nữ sinh con nhiều, sinh sớm hoặc có nhiều bạn tình thì nên sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, có một số dấu hiệu báo động của ung thư mà người bệnh cần đi kiểm tra để sàng lọc, như: người bệnh có vết loét lâu liền; ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ; chậm tiêu, khó nuốt; có khối u ở vú hay ở trên cơ thể; hạch to lên bất bình thường; chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo; gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân.
Việc phát hiện sớm ung thư là yếu tố quyết định việc điều trị ung thư có thành công hay không.
Tác giả bài viết: Phương Thuý