Nổi tiếng vùng Nam Trung bộ, nhưng nếu ai là người miền Bắc hoặc là khách miền Nam chính gốc lần đầu đến Cam Ranh vào buổi sáng sớm chắc sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được mời điểm tâm bằng một món bánh chế biến ngay tại chỗ rất cầu kỳ.
Không như món phở miền Bắc hay món cơm tấm miền Nam chỉ cần gọi là có ngay, khách muốn ăn bánh căn phải đợi, bởi món ăn này chỉ thật sự ngon khi lên đến bàn, cái bánh phải còn bốc khói và thực khách phải vừa thổi vừa ăn. Nói như nhiều người lần đầu ăn bánh căn "món này ngon hơn nhờ chờ đợi".
Nguyên liệu chính của bánh làm từ bột gạo, song để có chiếc bánh căn thơm ngon tròn vị, đầu bếp phải pha một số loại gia vị trước khi mang đi nướng trên một mâm bằng đất sét. Chính chiếc mâm nướng là bí quyết giúp bánh vừa thơm vừa giòn. Mâm dùng lâu ngày thì bánh càng thơm và càng ít dính. Mỗi mâm chỉ có thể nướng được mỗi lần khoảng hơn 10 chiếc bánh. Đây cũng là nguyên nhân khiến người ăn phải chờ.
Thời gian nướng một mẻ bánh căn khoảng vài phút, đây cũng là công đoạn tỉ mỉ đòi hỏi sự khéo tay của đầu bếp. Bột pha loãng được chế vào khuôn đất, đậy nắp chờ bột chín vừa chín phần đáy thì lần lượt cho nhân bánh và mỡ hành vào nướng đến khi bánh chín giòn thơm lừng.
Không giống bánh căn ở thành phố Nha Trang, cũng không giống cách chế biến bánh căn của vùng Phan Rang (Ninh Thuận), nhân bánh căn Cam Ranh thường ít dùng mực, thịt heo mà chỉ cái trứng cút đập ra chế lên mặt bánh, hoặc nơi nào sang hơn thì con tép nhỏ. Chiếc bánh cũng được đổ mỏng hơn nên có cảm giác giòn hơn.
Với món bánh căn, ngoài sự chăm chút và kinh nghiệm canh nhiệt độ khi nướng giúp chiếc bánh thơm giòn vừa phải thì còn cần phải có tay nghề pha nước chấm. Bởi theo dân ăn sành điệu, "bánh căn ngon đến mấy mà nước chấm dở thì xem như thất bại". Vẫn cầu kỳ với nhiều lọ nước chấm dành cho khách lựa chọn, song nước chấm bánh căn Cam Ranh chủ yếu là loại nước mắm pha theo vị chua chua ngọt ngọt kèm theo là hũ mắm cá cơm để khách thích ăn mặn thì bổ sung.
Bánh căn ngon còn nhờ rau với gần chục loại khác nhau nhưng nhiều nhất là cải bẹ xanh, xà lách, cải con, húng quế, rau đắng, ngò, diếp cá, tía tô, húng lủi. Khi đĩa bánh nóng hổi được dọn lên bàn, thực khách có thể trải lá xà lách, cho vào thêm các loại rau thơm, kẹp miếng bánh căn vào giữa, cuộn lại rồi chấm mắm.
Ai chờ đợi quá lâu, không kiềm chế được cơn thèm, có thể chọn cách nhặt rau thơm cho vào chén, xé đôi vài chiếc bánh cho luôn vào rồi chan nước mắm. Cách ăn này không tinh tế nhưng lại rất tiện và cũng không làm mất đi cái hương vị rất đặc sản của Cam Ranh.
Tác giả bài viết: Mr True