Trong nước

Bán ô tô đi xe máy vì phí quốc lộ 5 quá cao

Do trạm thu phí số 2 trên QL5 Hà Nội - Hải Phòng nằm ở vị trí độc đạo nên từ khi mức phí đường tăng 45.000 đồng/lượt/xe, nhiều hộ dân xã Đại Bản, Lê Thiện phải bán ô tô chuyển sang đi xe máy.

Khổ vì sống gần trạm thu phí

Sáng 15/8, các hộ dân tại 2 xã Đại Bản, Lê Thiện (huyện An Dương, Hải Phòng) sinh sống quanh khu vực trạm thu phí số 2 trên QL5 đã quây trạm thu phí, đề nghị cần có chính sách miễn, giảm phí cho dân tại đây.

Nhiều hộ dân cho rằng, hiện nay mức phí qua trạm quá cao, trong khi chủ đầu tư lại không có chính sách miễn giảm, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hộ dân sống lân cận trạm thu phí.

Trạm thu phí số 2 QL5 ở ngay đầu xã Đại Bản

Anh Trần Mạnh Đạt ở xã Đại Bản (An Dương, Hải Phòng) cho biết: Trước kia, mức phí 10.000 đồng/lượt, anh và các chủ phương tiện xung quanh trạm thu phí đi qua vài lượt/ngày vẫn đóng đủ. Tuy nhiên kể từ khi mức phí tăng lên 45.000 đồng/lượt/xe thì cuộc sống của anh người dân ở đây đã bị xáo trộn hoàn toàn.

Với anh Đạt, kể từ khi phí tăng, việc đưa đón con đi học đã phải thay đổi, thay vì đưa con đi học bằng ô tô thì anh phải đưa con đi bằng xe máy. Trường hợp trời mưa bão, bất đắc dĩ anh mới phải đưa con đi học bằng ô tô.

Anh Đạt cũng cho hay, nhiều hộ dân trong xã do không chịu được mức phí đường cao nên đã phải bán xe ô tô chuyển sang đi xe máy.

Theo ông Trần Văn Đoàn, ở thôn Dụ Nghĩa, xã Lê Thiện (An Dương, Hải Phòng), kể từ ngày 1/4 khi mức phí qua trạm tăng thì mọi nhu cầu đi lại của người dân đã bị xáo trộn.

Mức phí tăng quá cao lại chặn ngang ngay đầu xã Lê Thiện nên các phương tiện cơ giới trong xã đều phải mua vé qua trạm nếu muốn đi đến các xã lân cận.

“Phí đường tăng kéo chi phí vận chuyển tăng theo, nhưng nếu chúng tôi tăng phí vận chuyển thì lại không thể cạnh tranh được với các phương tiện vận chuyển ở địa bàn lân cận do họ không phải đi qua trạm thu phí”, ông Đoàn nêu khó khăn.

Ông Đoàn cho hay, đa số các hộ dân trong xã, thậm chí cả chính quyền địa phương đã nhiều lần có đơn kiến nghị đơn vị quản lý khai thác thu phí là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) giảm hoặc miễn phí cho người dân quanh trạm thu phí, nhưng chưa được giải quyết.

Giảm phí phải chờ sửa thông tư

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó giám đốc Ban hành chính nhân sự VIDIFI cho biết: Việc giảm phí cho dân vượt thẩm quyền của chủ đầu tư và VIDIFI cũng đã giải thích cho các chủ phương tiện sống quanh khu vực trạm thu phí rõ.

“Hiện nay VIDIFI đã báo cáo với các bộ ngành về thực trạng này và để giải quyết được thì phải có chính sách của Nhà nước chứ VIDIFI không thể tự giải quyết được”, ông Huỳnh nói.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, không chỉ trạm phí số 2 trên QL5 mà một số trạm phí BOT khác trên hệ thống quốc lộ, người dân xung quanh trạm phí cũng có tâm tư, nguyện vọng miễn, giảm phí.

Nhiều chủ phương tiện sống gần trạm thu phí số 2 QL5 phản đối mức phí tăng cao

Thông tư 159 của Bộ Tài chính quy định xem xét người dân tham gia giao thông qua trạm bán vé tháng, quý và bình quân một ngày đi nhiều lần qua trạm nhưng cũng chỉ tính bằng 1 lần mệnh giá phí.

Hiện nay, Tổng cục và Bộ GTVT đã tiếp nhận và tập hợp các ý kiến, nguyện vọng nhân dân để cùng các bộ, ban ngành có kiến nghị lên Chính phủ cho sửa đổi thông tư 159 đối với cá nhân, tổ chức sinh sống gần trạm thu phí.

Tuy nhiên, ông Cường cũng nói rõ: Đến thời điểm này vẫn chưa sửa đổi được thông tư 159 nên người dân cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật của Nhà nước.

Tác giả bài viết: Vũ Điệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP