Số hóa

Bài viết này có thể "cứu vớt" tâm hồn bạn: Tôi đã từng là con người

“Chúng ta không thể cưỡng lại được sức hút của công nghệ, nhưng tôi bắt đầu lo sợ rằng chúng ta đang chết dần chết mòn bằng chính lối sống phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ như thế này”.

Điện thoại thông minh sẽ xuất hiện trong mọi bức họa mà chúng ta để lại cho hậu thế (ảnh: Kim Dong Kyu)

Những thiết bị công nghệ thông minh như smartphone, máy tính bảng hay laptop đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Chúng giúp con người kết nối với nhau, tuy nhiên, khi mà khoảng cách xa không còn là giới hạn, thì những khoản cách gần, hay thậm chí ngay trước mắt, lại trở nên xa vời hơn. Con người dường như quá chú trọng vào các thiết bị công nghệ ngay trước mắt mình mà không còn để ý đến những người xung quanh hay đang ở ngay trước mắt. Dần dà, những thứ đồ công nghệ vô tri vô giác ấy đã chiếm đoạt lấy tâm hồn của chúng ta.

Mới đây, tác giả Andrew Sullivan đã có một bài viết đầy ám ảnh về mặt trái của thời đại công nghệ số tới con người. Với bài viết mang tựa đề “I Used to be a Human Being” (tạm dịch: Tôi từng là một con người), Sullivan đã kể loại khoảng thời gian ông đã bị công nghệ và mạng xã hội chi phối, biến ông thành một kẻ nghiện thông tin và gục ngã ra sao. Nhưng đối với tác giả người Mỹ, thứ ung nhọt của xã hội hiện đại này đã tạo cơ hội cho ông tìm về bản ngã, khơi dậy những ký ức sâu thẳm nhất trong tâm hồn của ông. Tuy vậy, với Sullivan, nếu con người không ngừng trượt dài vào những cái bẫy mà thế giới ảo giăng ra, sẽ chẳng mấy chốc chúng ta sẽ đánh mất chính linh hồn của mình.

Vntinnhanh xin gửi tới quý độc giả toàn bộ nội dung bài viết của Andrew Sullivan, được đăng tải trên tạp chí New York Magazine vào ngày 18/9/2016.

Tôi từng là một con người

Sa ngã

Tôi đang ngồi trong phòng thiền của một tu viện tọa lạc ngay giữa trung tâm bang Massachusetts. Khi tôi thò tay vào túi để lấy chiếc iPhone, một người phụ nữ đứng trước cửa phòng, trên tay cầm một chiếc túi, đang nở nụ cười rạng rỡ một cách hiền từ hệt như một vị linh mục nhận bổng lễ. Tôi đành phải giao nộp điện thoại của mình cho bà ấy vì đột nhiên cảm thấy có chút sợ sệt. Nếu không vì mọi người đang nhìn chằm chằm vào mình, tôi đã quay lại hỏi xin lấy lại điện thoại. Thế nhưng tôi đã không làm vậy. Tôi biết rõ vì sao mình lại đến đây.

Một năm trước đây, như những con nghiện khác, tôi cảm nhận rằng bản thân mình đang dần sụp đổ. Hơn 15 năm qua, tôi là một người luôn ám ảnh với internet. Mỗi ngày, tôi phải đăng cả tá bài viết lên blog của mình, bảy ngày một tuần, thậm chí còn phải huy động một nhóm người quản lý trang web cứ 20 phút một lần trong thời gian cao điểm. Mỗi buổi sáng của tôi bắt đầu với việc lướt web, cập nhật những tin tức nóng hổi nhất và không bỏ qua bất kỳ dòng tweet, ảnh hay video nào. Cả một ngày, tôi viết ra những bài bình luận hoặc châm chọc về những sự kiện đã và đang diễn ra. Và khi những sự kiện ấy thu hút sự chú ý của dư luận, tôi dành cả tuần lễ nhặt nhạnh những thông tin bên lề để tạo ra một câu chuyện hoàn chỉnh. Tôi chìm đắm trong những cuộc tranh cãi bất tận với bạn đọc. Bộ não của tôi chưa bao giờ phải làm việc cho nhiều chủ đề của dư luận như thế này trong một thời gian dài.


Người dùng ngày càng say mê những dòng bình luận dành cho nhau trên thế giới ảo (ảnh: Newsweek)

Nói theo một cách khác, tôi chính là một trong những người đầu tiên thích nghi với cái mà chúng ta gọi là “sống ảo trên mạng”. Nhiều năm trôi qua, tôi nhận ra mình không hề đơn độc. Facebook cho phép người dùng có thể tạo blog, đem đến một lượng độc giả riêng cho chúng ta. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều người sở hữu trong tay một chiếc smartphone, khiến việc kết nối tới các nội dung trên mạng ngày càng diễn ra nhanh chóng. Twitter được hình thành dựa trên hình thức viết blog nhanh. Người dùng ngày càng say mê những dòng bình luận dành cho nhau hệt như tôi ngày trước, thậm chí còn kinh khủng hơn. Và khi các ứng dụng phát triển ngày càng mạnh mẽ, chúng nhấn chìm thời gian rảnh rỗi của chúng ta. Thế giới ảo này dường như không bao giờ dừng lại, chúng sẽ chỉ cập nhật thêm mà thôi. Nhớ lại thời tôi quyết định dành nhiều thời gian cho blog của mình vào năm 2007 và cứ cách 30 phút lại cập nhật từng li từng tí cho nó, biên tập viên tờ báo nhìn tôi như một tên khùng. Thế nhưng, sự điên khùng này đã trở nên quá đỗi bình thường trong cuộc sống ngày nay, tốc độ đăng bài kinh khủng của một blogger chuyên nghiệp như tôi nay cũng không nhanh hơn tất cả mọi người là bao.



Tôi đã từng nói đùa rằng, nếu internet giết chết bạn thì tôi sẽ là người đầu tiên phát hiện ra. Nhiều năm sau đó, những lời nói đùa ấy đúng là đùa thật. Sức khỏe của tôi ngày càng đi xuống: bốn lần trong một năm tôi bị viêm phế quản; những kỳ nghỉ phép đã trở thành cơ hội hiếm hoi để tôi có được một giấc ngủ ngon đúng nghĩa. Giấc mơ của tôi bị lấp đầy bởi tin tức, bình luận và tranh cãi trong các dòng trạng thái tôi cập nhật liên tục. Quỹ thời gian dành cho bạn bè cũng từ đó mà thu nhỏ lại. Bác sĩ thậm chí còn hỏi tôi rằng “Anh thực sự sống sót qua căn bệnh HIV chỉ để chết trên mạng hay sao?”

Tuy vậy, phần thưởng dành cho những nỗ lực của tôi thì lại rất nhiều: một lượng độc giả lên tới 100.000 người một ngày; một công ty truyền thông làm ăn có lãi; những cảm xúc mới mẻ có thể làm tôi khó chịu, vui vẻ, hoặc giận dữ. Hơn tất cả, khối thông tin khổng lồ và hữu ích mà tôi mang tới cho bạn đọc mới là thước đo cho thành công của một người làm báo như tôi. Với tư cách của một nhà báo, nếu đầu tư nhiều thời gian để viết lách, tôi có thể khẳng định mình sẽ là người đi trước thời đại. Vấn đề là, tôi không thể có thời gian dành cho bản thân như một người bình thường.

Tôi đã cố gắng đọc sách, nhưng càng ngày tôi càng thấy mình mất dần đi kỹ năng đó. Sau khi đọc được một vài trang, ngón tay tôi bắt đầu co giật hệt như lúc đánh máy. Tôi tập thiền nhưng vẫn không thể kiềm chế được tâm trí lúc nào cũng chực xáo động mạnh. Tôi cũng từng có thói quen tập thể dục đêu đặn và quyết tâm dành thời gian cho hoạt động này 1 tiếng mỗi ngày. Hay khi đã dành nhiều giờ ngồi một mình và im lặng trước màn hình laptop, tôi vẫn nghe thấy những hình ảnh, âm thanh và những ồn ã của một đám đông đang văng vẳng đâu đây. Chúng ta không thể cưỡng lại được sức hút của công nghệ, nhưng tôi bắt đầu lo sợ rằng chúng ta đang chết dần chết mòn bằng chính lối sống phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ như thế này.

Trong một vài tháng vừa qua, tôi nhận ra mình đang rơi vào trạng thái từ chối – giống như các con nghiện khác. Tôi đã từng coi cuộc sống trên mạng là một phần của cuộc sống thực. Đúng vậy, tôi đã dành nhiều giờ giao tiếp với người khác bằng một giọng nói khác, trong khi cuộc đời thực và thân thể của tôi thì vẫn ở đây. Khi sức khỏe và niềm vui của mình dần suy kiệt thì cũng là lúc tôi nhận ra rằng đó là hai cuộc sống không thể song hành với nhau, sống ảo thì không thể sống thật và ngược lại. Mỗi phút giao tiếp trên mạng, tôi lại bỏ lỡ cơ hội trò chuyện với người khác ở ngoài đời thực. Mỗi giây dành thời gian tìm kiếm thông tin trên các website, tôi lại đánh mất phút giây được nghỉ ngơi, tĩnh tâm. Làm nhiều việc cùng một lúc là điều không tưởng. Tôi chỉ có thể sống như một giọng nói trên mạng hoặc như một người bình thường như hàng tỷ con người khác, đã sống và tồn tại hàng nghìn năm trên Trái Đất này.

Bởi vậy tôi quyết định, sau 15 năm, sẽ sống thật với con người mình.

Bùng nổ

Kể từ khi máy in được phát minh, mỗi một cuộc cách mạng thông tin mới lại làm dấy lên nỗi lo sợ về ngày tận thế. Vào những năm 1950, từ nỗi khiếp sợ về sự diệt vong của đạo Thiên chúa chính thống gây ra bởi cách tiếp cận ngày một dễ dàng với Kinh thánh, những nhà phê bình văn hóa liên tục khóc than và chỉ trích các kênh truyền hình – một phương tiện đưa giới trẻ đến với thông tin thời đó. Mỗi sự thay đổi lại đại diện cho những nỗi lo sợ mới, từ sự ra đời một cách thần kỳ của truyền hình cáp vào cuối thế kỷ 20 cho đến sự bùng nổ vô hạn của internet trong thời hiện tại. Mặc dù vậy, xã hội vẫn tìm cách để thích nghi mà không để gây ra bất kỳ tổn thương nào quá lớn.


Thay vì ngẩng lên, chúng ta đang dần cúi đầu xuống (ảnh: Playbuzz)

Tuy nhiên, chính internet là đại diện cho một cuộc đại nhảy vọt so với quá khứ. Cứ mỗi phút trôi qua, người dùng Youtube lại đăng tải 400 tiếng video, còn người dùng Tinder có thể quét các hồ sơ hơn 1 triệu lần. Mỗi ngày trôi qua, hàng tỷ nút “like” trên Facebook đã được nhấn. Các ấn phẩm online cho ra đời nhiều sản phẩm hơn theo cấp số nhân so với họ trước kia, tung ra các bài viết với tốc độ nhanh như tên bắn và cập nhật chi tiết thông tin từng giây từng phút. Công việc của blog, Facebook, Tumblr, Twitter và các ấn phẩm tuyên truyền chỉ việc xào đi xào lại những thông tin đó

Chúng ta không còn phải mua báo giấy hoặc đánh dấu những trang web yêu thích để hấp thụ những “nội dung” này. Thay vào đó, chúng ta được dẫn dắt vào một thế giới thông tin đồ sộ trên mạng xã hội, tất cả đều chính xác và phù hợp với thị hiếu. Đừng nghĩ rằng bạn có thể kiểm soát mọi cú click của mình. Các kỹ sư công nghệ ở Thung lũng Silicon và các thuật toán ngày một hoàn thiện đã sáng tạo ra một dạng “mồi nhử” nhằm lôi kéo chúng ta.

Chỉ không lâu trước đó, việc lướt web, tuy có gây nghiện nhưng chỉ là một thứ văn phòng phẩm. Tại công sở hay ở nhà riêng, chúng ta chỉ chìm đắm vào một mê hồn trận thông tin trong vài phút đồng hồ rồi sớm nhập cuộc với thế giới bên ngoài. Thế nhưng với chiếc smartphone, mê hồn trận đó có thể lôi kéo chúng ta ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào, bất kể chúng ta đang làm gì khác. Thông tin, vì thế, đã sớm len lỏi vào mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của chúng ta.

Quá trình này diễn ra nhanh một cách đáng kinh ngạc. Chúng ta gần như quên rằng chỉ 10 năm về trước vẫn chưa có chiếc smartphone nào được sản xuất, nhưng tới năm 2011, đã có tới 1/3 người dân Mỹ sở hữu ít nhất một thiết bị này. Con số này bây giờ đã là 2/3. Trong một cuộc thăm dò được tiến hành bởi Pew, 46% người Mỹ đã nói lên một điều đơn giản nhưng rất đáng lưu tâm: Họ không thể sống thiếu smartphone. Thứ công nghệ này bước ra khỏi bóng tối và nhanh chóng trở thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta trong suốt 1 thập kỷ qua. Ngày nay, những không gian từng miễn nhiễm với Internet, trên máy bay, trong tàu điện ngầm, những nơi hoang dã, giờ đang bị tấn công dữ dội và mất dần lãnh địa vào tay smartphone. Ngay cả những “phượt thủ” cũng được trang bị sạc dự phòng cho smartphone. Có lẽ, nơi duy nhất “bất khả xâm phạm” với thứ công nghệ này chỉ còn là dưới vòi hoa sen.

Tôi có phóng đại quá không? Một nghiên cứu chi tiết trong năm 2015 về người trẻ cho thấy họ sử dụng điện thoại thông minh 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, 85 lần khác nhau mỗi ngày. Phần lớn tương tác này là dưới 30 giây. Người dùng không hề ý thức được đầy đủ họ đang nghiện smartphone tới đâu, phần lớn vẫn nghĩ rằng họ chỉ sử dụng chúng với 1/2 thời gian thực. Sự thật, công nghệ mới đang kiểm soát 1/3 khoảng thời gian hoạt động của họ, không tính thời gian dành cho giấc ngủ.

Sự can thiệp của smartphone vào cuộc sống hàng ngày lại không hề khiến chúng ta khó chịu. Kể từ thời sơ khai, con người đã say mê với những câu chuyện tầm phào, và điều này đã thúc đẩy chúng ta cập nhật liên tục thông tin từ bạn bè, gia đình trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng mở rộng. Chúng mở cánh cửa dẫn chúng ta tới những câu chuyện phiếm mà ngay cảm bản thân chúng ta nhanh chóng cảm thấy mụ mị. Theo thống kê của tờ Atlantic, mỗi người dùng Snapchat ở độ tuổi thiếu niên có thể trao đổi từ 10.000 tới 400.000 đoạn chat mỗi ngày. Chúng quan niệm rằng, số lượng những đoạn chat đó càng cao, càng khẳng định được vị thế của chúng trong cộng đồng mạng. Suy nghĩ “chết người” này, theo đánh giá của một chuyên gia tâm lý, khiến chúng ta càng cảm thấy bất lực trước cách thức mà người ta thu nhập thông tin về nhau, thông qua sự phát triển như vũ bão của các trang mạng xã hội.

Hãy nhìn xung quanh bạn mà xem - mọi người cắm mặt vào điện thoại lúc bước đi trên đường, hay lái xe, hay dắt chó đi dạo, hay đang chơi với con. Hãy tự quan sát mình trong khi xếp hàng đợi cà phê, hay nghỉ ngơi một chút ở chỗ làm, hay thậm chí là trong phòng tắm. Nhìn vào những chiếc đầu cúi gằm và những đôi mắt đờ đẫn ở sân bay. Thay vì ngẩng lên, chúng ta đang dần cúi đầu xuống. Nếu một người ngoài hành tinh tới thăm nước Mỹ sau khi đã đặt chân tới đây 5 năm về trước, họ hẳn sẽ nghĩ rằng giống loài này đã sản sinh thêm một thói quen mới sao mà bất thường đến thế.

Cai nghiện

Tôi tới trung tâm trị liệu bằng thiền vài tháng sau khi rời bỏ mạng Internet, chấp nhận ném đi cuộc đời và sự nghiệp của mình qua cửa sổ. Nhưng tôi nhận ra rằng đó thực sự là một phương thức giải độc xứng đáng. Và tôi đã không nhầm. Chỉ sau một tiếng giữ cho tâm trí được yên lặng, bạn có xu hướng mong đợi một sự rối loạn nào đó sẽ đến để lôi kéo sự quan tâm của mình. Nhưng nó không bao giờ xảy ra với tôi nữa. Sự yên tĩnh ngày một bao trùm lấy tôi. Không một ai cấy tiếng nói, không một ai nhìn vào người đối diện – đây là phương pháp mà những người theo đạo Phật gọi là “sự im lặng cao quý”. Lịch trị liệu được lên kế hoạch tới từng phút để chúng tôi có thể dành trọn thời gian ngồi thiền trong tĩnh lặng với đôi mắt nhắm chặt, hoặc đi bộ thật chậm rãi tới cánh rừng, hoặc dùng bữa trong một cộng đồng nhỏ mà không ai nói với ai. Những từ ngữ duy nhất mà tôi nghe thấy trong suốt 10 ngày đó chỉ được phát ra trong 3 buổi tư vấn, 2 buổi ngồi thiền có người hướng dẫn, và những buổi tâm sự đêm khuya về sự tĩnh tâm.


Cái cách mà họ di chuyển nhẹ nhàng, cách họ biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt, đều khiến tôi cảm thấy cuốn hút (ảnh: Fotolia)

Tôi đã dành 9 tháng trước đó để tu luyện thiền định, nhưng trong đám đông này tôi chỉ là một kẻ còn non kinh nghiệm. Mọi người xung quanh tôi đều tham gia vào các lớp thiền 6 tuần hoặc 3 tháng một lần. Sự yên lặng rõ ràng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Cái cách mà họ di chuyển nhẹ nhàng, cách họ biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt, đều khiến tôi cảm thấy cuốn hút.

Làm thế nào mà họ có thể điềm tĩnh như vậy khi bao quanh họ mỗi ngày là những đám đông? Thông thường, khi bạn bước vào căn phòng cũng đồng nghĩa với việc tiếng ồn sẽ vang lên. Nhưng ở đây, sự yên lặng dường như đã trở thành bản chất của nó. Trước đó, mỗi lần cầm điện thoại trên tay, tôi lại nghe thấy những ồn ã văng vẳng đâu đây cả ở đời thực lẫn trong thế giới ảo. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy cô độc. Ở đây, giữa những con người đang ngồi thiền trong một thế giới riêng của họ, tôi lại không hề cảm thấy cô đơn. Nhịp thở của tôi đã chậm lại. Tâm trí tôi đã điềm tĩnh hơn. Cơ thể tôi đã dễ dàng được kiểm soát. Tôi có thể cảm nhận được nó đang tiêu hóa, xì hơi, ngứa ngáy và dao động. Đó là bởi tâm trí tôi đã xa rời những thứ trừu tượng đầy phù phiếm và chuyển sang những vật hữu hình và gần gũi với tôi hơn.

Những điều trước kia tôi chẳng hề nhận thấy giờ lại khiến tôi cực kỳ chú ý, như ánh nắng của mùa thu qua những kẽ lá, hoa văn trên vỏ cây, hay những cành cây nhỏ đâm qua kẽ tường. Sự thôi thúc cầm ngay điện thoại lên và chụp ảnh chúng vẫn còn, nhưng không thể bởi điện thoại của tôi đã bị tịch thu. Vì thế tôi chỉ còn biết đứng đó và nhìn chằm chằm vào chúng. Tại một thời điểm, tôi cảm thấy mình bị mất phương hướng và phải nhờ đến trực giác của mình để tìm lại lối về. Đã nhiều năm rồi, đây mới là lần đầu tiên tôi được nghe thấy tiếng chim hót. Tất nhiên tôi có nghe thấy chúng, nhưng đã rất lâu rồi tôi mới thực sự lắng nghe.

Chi phối

Chúng ta đều hiểu niềm vui trong một thế giới bị chi phối bởi công nghệ là như thế nào – những sợi dây kết nối, tiếng cười, phim khiêu dâm, các thông tin. Tôi không muốn phủ nhận chúng, nhưng công nghệ đã lùa chúng ta vào những cái bẫy, ru ngủ chúng ta vào niềm tin rằng con người không có nhược điểm. Hơn thế, cuộc sống ảo chỉ đơn giản là lớp trên cùng của cuộc sống thực. Chúng ta có thể nhắn tin hẹn hò một người trước khi gặp họ ngoài đời. Chúng ta có thể ăn uống cùng nhau trong khi đọc những dòng tin trên mạng xã hội. Thực sự, chúng ta có thể biến đổi cuộc sống bằng cách kết hợp giữa sống ảo và sống thực.

Tát nhiên, tôi đã nhận ra rằng trong những năm làm blogger, cái cảnh gia đình cùng ngồi chung bàn ăn với chiếc điện thoại trên tay lại chưa bao giờ xảy ra. Chúng ta chỉ đơn giản là đang “cô đơn cùng nhau”. Bạn đang ở nơi mà sự chú ý của bạn tập trung vào đó. Nếu bạn đang xem một trận bóng bầu dục cùng với cậu con trai mà vẫn nhắn tin được cho người khác, thì bạn hoàn toàn không để tâm tới con trai mình. Nếu thực sự quan tâm đến mọi người, hãy dành cho họ những tín hiệu nhỏ nhặt nhất xuất phát từ đôi mắt và giọng nói, tới những ngôn ngữ cơ thể phù hợp với hoàn cảnh. Đó chính là những kỹ năng xã hội sâu sắc nhất của chúng ta, vốn đã được mài dũa qua nhiều năm tháng và tạo nên những nét rất đặc trưng của con người.

Hãy nhớ lại xem đã bao lâu rồi chúng ta không nhấc điện thoại lên và gọi điện cho ai đó. Việc nhắn tin trở nên quá dễ dàng đã khiến chúng ta dần quên đi thói quen ấy. Một cuộc điện thoại tốn nhiều thời gian hơn và có thể đẩy chúng ta vào hoàn cảnh khó xử khi người ở đầu dây bên kia bỗng nhiên bộc phát một nhu cầu tình cảm bất ngờ. So sánh việc tán tỉnh một cô gái ở quầy bar với việc sử dụng Tinder để theo dõi tài khoản của các cô gái, thì cái nào tiện lợi hơn? Một phương pháp có thể không hiệu quả và tốn khá nhiều thời gian (thường là vô ích), một bên lại tạo điều kiện cho chúng ta thay hàng chục người yêu như thay áo, chúng ta đã có câu trả lời.

Chúng ta có thể ăn uống cùng nhau trong khi đọc những dòng tin trên mạng xã hội (ảnh: Indian Express)

Những kỹ năng lâu đời nhất của con người đang dần thui chột. Hệ thống định vị GPS là một ví dụ. Nó dẫn ta đi đến nơi mà chúng ta không hề biết. Nhưng, nó cũng khiến chúng ta mất dẫn thói quen ngắm nhìn cuộc sống để ghi nhớ những chi tiết của môi trường xung quanh. Trước đó, cảm nhận và kiểm soát đồ vật từng là một kỹ năng quá đỗi bình thường của con người. Cây bút Matthew Crawford đã viết về cách mà lối sống công nghệ đã ảnh hưởng tới những hoạt động thể chất của con người. Đã qua rồi cái thời chúng ta dùng tay, mắt và các bộ phận cơ thể để tạo ra những chiếc ghế gỗ, những bộ quần áo và những công cụ sản xuất để kiếm sống. Những thứ tưởng chừng nhàm chán và lặp đi lặp lại hàng ngày này, lại phát triển thành một thứ kỹ năng, tạo cho con người lòng tự trọng và tôn trọng lẫn nhau.

Cuộc sống online mang đến nhiều tiện nghi hơn, tiết kiệm hơn, chấm dứt sự đơn điệu và tiết kiệm thời gian hơn để đạt được các mục tiêu. Nhưng nó không cho phép chúng ta cảm nhận được sự hài lòng sâu sắc và niềm tự hào về một công việc đã được hoàn thành tốt. Những người thấm thía nhất sự từ chối này, lại chính là những người hàng ngày kiếm kế sinh nhai bằng chính kỹ năng của mình.

Thật vậy, những kỹ năng tối thiểu trong cuộc sống hàng ngày đã kiến tạo nên một cuộc sống đủ đầy cho chúng ta suốt 10 nghìn năm qua – cho đến khi công nghệ và chủ nghĩa tư bản phủ nhận những kỹ năng đó. Nếu chúng ta đang cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao các kỹ năng cơ bản nhất của con người đang dần thui chột, thì câu hỏi đó dường như hữu ích hơn việc tìm hiểu các chỉ số kinh tế.

Sự gắn kết của chúng ta với những mối quan hệ hàng ngày – những cái gật đầu và lời chào tới hàng xóm xung quanh, cũng đang dần mất đi. Sự lôi cuốn của những mối quan hệ ảo đã tiêu diệt không gian để mọi người có thể tương tác với nhau trong cộng đồng thực. Khi chúng ta bước vào một quán cà phê, nơi tất cả mọi người đang chìm đắm trong thế giới online của riêng họ, chúng ta cũng phản ứng lại bằng cách tạo ra một thế giới ảo cho riêng mình. Khi một ai đó ngồi cạnh chúng ta trả lời điện thoại và nói lớn như thể bạn không hề tồn tại, bạn bỗng nhận ra rằng trong thế giới riêng tư của cô ấy bạn không là gì cả. Và dần dần, toàn bộ khái niệm về một không gian công cộng, nơi chúng ta gặp gỡ và học hỏi từ những người trong cùng cộng đồng, không còn tồn tại nữa.

Trong talkshow của Conan O’Brien, diễn viên hài Louis C.K đã hoài nghi rằng những dòng tin nhắn có khiến chúng ta hạnh phúc hơn hay không. Hay chỉ đơn giản, chúng ta nhắn tin cho nhau ngay cả khi đang lái xe một mình chỉ để khỏa lấp đi cảm giác cô đơn. Ông nhớ lại khoảnh khắc một bài hát của Bruce Springteen vang lên trên radio khi ông đang lái xe trên đường. Khoảnh khắc ấy bỗng nhiên đem lại một nỗi buồn khôn tả cho ông. Louis muốn chộp ngay lấy điện thoại và nhắn tin cho bạn bè mình càng nhanh càng tốt. Nhưng không, ông để điện thoại lại, đánh xe vào lề đường, và khóc. Ông cho phép bản thân mình được sống với cảm xúc thật chỉ một lần, để được tận hưởng cảm giác không bị công nghệ chi phối sẽ như thế nào. Cũng trong khoảnh khắc đó, Louis chợt nhận ra ông có thể tự mình thoát ra khỏi hố đen của sự tuyệt vọng. Khoảng tối trong tâm hồn của chúng ta không thể được soi sáng bằng ánh đèn được phát ra từ những thiết bị điện tử vô tri: “Bạn không bao giờ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc, mà ngược lại, chỉ thấy... hơi hài lòng với những sản phẩm công nghệ đó. Đó là lý do vì sao tôi không muốn các con tôi bén mảng đến bất kỳ chiếc điện thoại nào”.

Ký ức

Những ngày đầu của khóa thiền trôi qua, sự bỡ ngỡ của tôi dành cho phương thức trị liệu tâm hồn này cũng dần nhường chỗ cho những lo lắng mới. Những suy nghĩ vẩn vơ hiện hữu trở lại, những ký ức cũ nổi lên che mờ thực tại. Tuy những buổi thiền vẫn diễn ra đều đặn, nhưng tôi vẫn chưa thể hoàn toàn chế ngự được cảm xúc và bắt đầu cảm thấy bồn chồn trở lại.

Và rồi thật bất ngờ, những ký ức trong quá khứ bỗng hiện về ào ạt trong tâm trí tôi. Vào một ngày, khi đang dạo bước bên trong cánh rừng, tôi chợt nhận ra mình đang đắm chìm trong một không gian vô cùng tĩnh lặng, tiếng suối róc rách chảy xuống sườn đồi, tiếng chim hót véo von từ lúc nào không hay. Hồi còn nhỏ, tôi chỉ là một thằng bé cô độc sinh ra và lớn lên ở vùng quê Sussex của nước Anh. Ngày ấy, tôi thường đi khám phá những khu rừng xung quanh cùng chúng bạn, cũng có thể là một mình. Tôi tưởng tượng ra một vùng đất của riêng mình, nơi tôi được thỏa thích đọc sách hay tìm ra những lối đi bí mật trong rừng bằng cách lần mò theo những bông hoa hoặc cỏ dại mà tôi vấp phải. Nhưng khi một biến cố ập xuống gia đình, tôi đành phải rời bỏ miền đất ấy. Mẹ tôi mắc phải căn bệnh rối loạn lưỡng cực sau khi hạ sinh đứa con tiếp theo. Bà ấy dành phần lớn thời gian chữa trị tai bệnh viện khi tôi mới chỉ là một cậu thiếu niên, và bệnh tình đã không cho phép bà ấy che giấu đi nỗi đau của mình và đành trút hết tất cả lên người con lớn nhất – chính là tôi.

Tôi cố gắng kiềm chế tâm trạng của mình, nhưng đã nhiều giờ đồng hồ trôi qua, trái tim tôi càng đập mạnh hơn (ảnh: blogspot)

Sau đó, tôi chợt nhận ra rằng mình không thể nào ngăn được những tiếng thét vì đau đớn và những trận cãi vã với cha tôi của bà ấy. Tôi nhớ bà ấy đã từng khóc nức nở trong ô tô khi đang trên đường đưa tôi đến trường. Khi ấy tôi chỉ biết ôm lấy bà. Tôi cảm nhận được sự sợ hãi từ trong sâu thẳm của mẹ mình, rằng bà chỉ là một phụ nữ bệnh tật sống trong một thị trấn nhỏ bé và chỉ còn biết phụ thuộc vào chồng. Ngay bây giờ thôi, tôi vẫn có thể hồi tưởng về những khung cửa sổ hay hành lang bệnh viện mà bà ấy nằm điều trị mỗi khi tôi tới thăm bà.

Tôi hiểu rằng, những biến cố này đã tạo ra một vết thương khó lành trong tâm hồn tôi. Tôi đã dành hai thập kỷ học cách thân thiết với những người xung quanh, nhưng dường như nỗi đau của một người quan trọng nhất trong cuộc đời đã khiến nhiệm vụ ấy trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Rồi nhịp sống thường ngày đã khiến tôi tạm quên chúng. Bất chợt, tôi nhận ra mình đang phải đối mặt với những vụn vỡ trong quá khứ. Tôi dừng lại bên một thân cây, ngồi xuồng, rồi đột nhiên nước mắt trào ra.

Lần này, ngay cả khi quay lại phòng thiền, tôi cũng không cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi không thể gọi điện cho chồng hoặc bạn bè để tâm sự. Tôi không thể kiểm tra hòm thư điện tử hoặc lên Instagram để giãi bày với ai đó. Tôi không thể đòi hỏi từ những người chưa từng trải qua một thứ cảm xúc nào tương tự. Tôi cố gắng kiềm chế tâm trạng của mình, nhưng đã nhiều giờ đồng hồ trôi qua, trái tim tôi càng đập mạnh hơn, còn tâm trí quay mòng mòng dù cho xung quanh tôi chỉ là sự tĩnh lặng đến lạnh lùng.

Lặng im

Nghiên cứu về sự thất thế của tôn giáo trong xã hội phương Tây hiện đại, triết gia Charles Taylor đã sử dụng một thuật ngữ để mô tả cách con người suy nghĩ về xã hội. Ông gọi đó là “xã hội trong tưởng tượng”, nơi mà niềm tin và một đức tin kết hợp với nhau nhằm suy yếu đức tin khác. Chúng ta không đi từ đức tin tới chủ nghĩa thế tục chỉ bằng một cú rơi, Taylor lập luận. Một số lý tưởng và thực hành đức tin khiến những tôn giáo khác dần mất đi vai trò trong xã hội. Và khi xã hội hiện đại với sự vươn lên mạnh mẽ của đồng tiền đã khiến tôn giáo mất đi tầm ảnh hưởng. Đó cũng là lúc sự yên lặng dần nhường chỗ cho những ồn ào và xáo động trong xã hội.

Chủ nghĩa tư bản hiện đại đã đặt kinh doanh vào ngay giữa nền văn minh và các nhu cầu được kết nối với tập thể của chúng ta. Sự yên lặng trong thời kỳ hiện đại đã trở nên lỗi thời, thậm chí còn bị coi là biểu tượng của mê tín dị đoan. Sự trỗi dậy của những chiếc điện thoại thông minh trong thập kỷ qua đã tạo ra những vết đứt gãy trong cuộc sống, và người ta tìm cách lấp đầy chúng bằng những âm thanh ồn ã.

Sự yên tĩnh không thể nào khiến chúng ta thỏa mãn. Con người luôn đòi hỏi nhiều hơn thế, luôn mong mỏi được cập nhật, được làm mới mình. Sự đảo điên trong cuộc sống ảo đã phơi bày niềm mong muốn sâu thẳm đó của con người: Chúng ta liên tục trượt, trượt màn hình bởi không bao giờ cảm thẩy hài lòng. Dường như chúng ta đã đầu hàng trước nghịch lý đó, thậm chí không hề cho thấy bất kỳ nỗ lực nào, dù chỉ là trong vô thức, để thoát ra khỏi số phận thất bại.

May mắn thay, sự hòa giải tâm linh phù phiếm này lại trở thành lối thoát cuối cùng cứu vớt con người ra khỏi cuộc sống tầm thường. Thời thơ ấu, kể từ ngày bước chân vào nhà thờ, tôi đã hiểu ra rằng cõi riêng mang này hoàn toàn tách biệt với cuộc sống xô bồ bên ngoài bởi nơi này quá tĩnh mịch. Những con người nơi đây không hề cất lên tiếng nói, và chỉ một vài phút sau đó, chúng tôi đã đắm chìm trong những lời cầu nguyện. Sự im lặng thiêng liêng này đã phân định chúng tôi với thế giới hỗn loạn bên kia, thế giới của những ồn ã, của mua bán và giao thương.

Sự im lặng thiêng liêng này đã phân định chúng tôi với thế giới hỗn loạn bên kia, thế giới của những ồn ã, của mua bán và giao thương

Bên cạnh nhà thờ, nơi duy nhất có được sự yên tĩnh chính là thư viện. Không khí yên lặng ở nơi đây thậm chí còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế - đó là sự học tập đòi hỏi thời gian và lòng kiên nhẫn, là sự theo đuổi chân lý khi chúng ta mải mê tôn thờ những giá trị ảo xung quanh mà quên đi rằng cuộc sống này thực tế lắm. Nó giống như sự im lặng trong khi tưởng niệm một tấn thảm kịch đã xảy ra, nơi mà chúng ta nhận ra rằng không nói với nhau một câu nào hóa ra lại là điều sâu sắc nhất, thể hiện trọn vẹn nhất lòng cảm thông của mình.

Hầu hết những nền văn minh của nhân loại đã nhận ra điều đó. Chúa Jesus, hay Đức Phật, truyền dạy cho trần thế những đạo lý trên đời bằng sự im lặng. Chúa Jesus là nhà truyền giáo trải qua 40 ngày 40 đêm trên sa mạc, là một tù nhân từ chối biện hộ cho bản thân trong phiên tòa. Trước ngày bị bắt đem đi đóng đinh vào cây thập giá, Ngài cùng các tông đồ cầu nguyện trong khu vườn Gethsemane, mồ hôi của Ngài giống như những giọt máu lớn rơi xuống mặt đất. Trong một lúc khác, Chúa ngồi dự tiệc với 12 môn đệ trong đêm trước ngày Ngài đi chịu tử nạn. Tất cả những khoảnh khắc đó, Chúa không hề nói dù chỉ một câu.

Vĩ thanh

Khi bạn tới một ngôi đền được dựng tạm bên trong lễ hội hoang dã Burning Man trên sa mạc Nevada, là sân chơi của các nghệ sĩ thế giới đến từ mọi lĩnh vực như âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ, kiến trúc, hầu như mọi người không nói với nhau dù chỉ một câu. Một số người đi đi lại lại ở khu vực bên ngoài, một số người nắm tay nhau và khóc, một số ít viết lời chào lên các bức tường, số còn lại thì quỳ gối hoặc ngồi thiền, hoặc chỉ đơn giản là ngồi một cách yên lặng.

Họ, những kiến trúc sư của thế giới internet, đang cố gắng thoát ra khỏi những thứ mà họ đã xây dựng cho chúng ta. Họ tới một nơi hoang vu, nơi sóng điện thoại cũng không thể tiếp cận được. Chưa dừng lại tại đó, họ bắt buộc phải để lại điện thoại trong lều. Ở đây, ai cũng mang một tinh thần tự chủ và bình đẳng xã hội. Họ buộc phải tương tác vật lý với mọi người mà không theo hệ thống phân cấp: nhảy múa, trải nghiệm, xây dựng cộng đồng. Đối với nhiều người, đây là sự kiện đáng mong đợi nhất trong năm – một thế giới dành riêng cho trí tưởng tượng và tình hữu nghị, được bồi đắp bằng những chất gây nghiện làm gia tăng cảm xúc của con người.

Giống như một lễ hội thời Trung Cổ, hình thức tôn giáo mới này không đề cao những giá trị đang áp đặt lên cuộc sống của chúng ta. Được coi như một chiếc van an toàn, nó giải phóng hoàn toàn áp lực từ sự chi phối của công nghệ. Mặc dù ai đó có thể mỉa mai lễ hội này, nhưng nó đang cố gắng đạt đến những giá trị mà nền văn minh của chúng ta đã từng tạo ra, và nó cho thấy, có lẽ chúng ta không hoàn toàn bất lực trong một kỷ nguyên của sự xáo trộn này. Chúng ta bắt đầu biết cách cân bằng cuộc sống, học hỏi những gì đã từ bỏ từ trước nhằm kiểm soát tâm trí của mình.

Nếu con người không ngừng đắm chìm vào những thứ đồ công nghệ vô tri vô giác, thì chúng ta sẽ sớm quên rằng mình đã từng có một tâm hồn (ảnh: Magnum)

Và hãy tưởng tượng xem: mỗi vị khách phải giao nộp điện thoại trước khi bước vào nhà hàng, quán cà phê mở rộng không gian không-WiFi. Hay thực tế hơn, ngồi vào bàn ăn sau khi tất cả mọi người đều đồng ý đặt các thiết bị điện tử vào một chiếc hộp rồi bắt đầu mở lời tán gẫu với nhau. Hoặc là, trong bữa ăn trưa, người nào sử dụng điện thoại đầu tiên sẽ phải trả toàn bộ hóa đơn cho những người khác. Nếu muốn, chúng ta hoàn toàn có thể sống sót qua 24 giờ đồng hồ mà không cần liếc nhìn lấy điện thoại dù chỉ một lần. Về lâu dài, con người có xu hướng tự bao bọc lấy bản thân. Chúng ta tiếp cận sự đổi mới bằng cách phản ứng lại với những cái mới đó và trong tương lai tất yếu sẽ tự tìm ra cơ chế để cân bằng lại cuộc sống.

Và tôi tự hỏi tại sao mình vẫn chưa thể xa lánh khỏi những cám dỗ đến từ cuộc sống ảo. Vài ngày hay vài tuần sau đó, tôi vẫn cảm nhận được sự ngập ngừng dù đang tham gia lớp học thiền. Trong một khoảng thời gian, tôi đã giới hạn bản thân và chỉ cho phép cập nhật thông tin hàng ngày từ tờ New York Times. Dần dà, tôi thấy mình đang click vào những đường link đưa đẩy đến vô số trang web khác nhau. Chúng lấp đầy màn hình, và rồi tôi đã trở về thói quen cũ lúc nào không hay. Từ đó, tôi cắt giảm thời gian dành cho thiền định từ 1 tiếng xuống còn 25 phút, và sau gần 1 năm, tôi không còn ngồi thiền đều đặn nữa. Thật tệ hại bởi chìa khóa để đạt tới sự tĩnh tâm bền vững từ thiền định chính là kỷ luật nghiêm ngặt và phải thực hành mỗi ngày, cho dù bạn muốn hay không. Thế giới bên ngoài khiến tôi cảm thấy hứng thú hơn. Tôi chấp nhận đành lòng bị nó cuốn đi.

Có nhiều cuốn sách để đọc, những miền đất để đặt chân tới, những người bạn để gần gũi, và một cuộc sống để sống đủ đầy. Và tôi nhận ra rằng, dù thế nào đi nữa, chúng cũng chỉ là một phần trong cuốn biên niên sử không có hồi kết về nhân loại. Đại dịch công nghệ này cũng vậy, cũng chỉ là một yếu điểm trong nền văn minh của chúng ta. Mối đe dọa mà chúng mang tới không đáng để chúng ta phải bận tâm quá nhiều, ngay cả khi chúng đã gây ra quá nhiều áp lực cho tâm trí chúng ta. Nhưng tâm hồn thì lại khác. Cứ với tốc độ này, nếu con người không ngừng đắm chìm vào những thứ đồ công nghệ vô tri vô giác, thì chúng ta sẽ sớm quên rằng mình đã từng có một tâm hồn.

Tác giả bài viết: Nam Anh (dịch theo New York Magazine)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP