Thế giới

Bài phát biểu xúc động của bé gái 9 tuổi về phân biệt đối xử ở Mỹ

Một bé gái 9 tuổi ở Charlotte, North Carolina (Mỹ) mới đây đã có bài phát biểu xúc động về sự phân biệt đối xử tại Mỹ sau hàng loạt vụ cảnh sát bắn chết người da màu.

Cô bé Zianna Oliphant. (Ảnh: Guardian)


Thành phố Charlotte thời gian gần đây rúng động bởi các cuộc tình biến thành bạo loạn sau khi một cảnh sát bắn chết người đàn ông gốc Phi Keith Lamont Scott, 43 tuổi hôm 22/9. Vụ việc lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự phân biệt đối xử với người da màu tại Mỹ.

Bài phát biểu hôm 26/9 của Zianna Oliphant, một bé gái 9 tuổi ở Charlotte, cũng một lần nữa thức tỉnh cộng đồng khi nó chạm đến trái tim người nghe về nỗi đau mà người da màu đang gánh chịu do sự phân biệt đối xử ở Mỹ.

Cô bé đã đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi có bài phát biểu trước hội đồng thành phố với những cảm nghĩ về sự phân biệt đối xử.

“Cháu có cảm giác như chúng ta (cộng đồng người da màu) đang bị đối xử không giống như những người khác. Cháu không thích cái cách mà họ đối xử với chúng ta. Màu da chẳng nói lên được điều gì. Chúng ta là người da đen và đáng ra chúng ta không phải có mặc cảm như thế này nhưng bởi vì họ đã và đang đối xử với chúng ta không đúng”, cô bé Oliphant nói trước khi nước mắt trào ra.

Trong tiếng nấc nghẹn ngào, cô bé nói thêm rằng, cô lớn lên ở Charlotte và cô chưa bao giờ có mặc cảm này cho đến tận hôm nay. “Chúng ta làm điều này bởi vì chúng ta cần phải như thế và bởi chúng ta có quyền. Cháu không thể chịu được khi bị đối xử như vậy. Cả bố và mẹ cháu đều đã bị giết hại và bây giờ cháu không thể nhìn thấy họ thêm lần nào nữa. Cháu đã khóc mặc dù lẽ ra cháu không nên làm như vậy, nhưng cháu cần có bố mẹ ở bên”, Oliphant nói.

Bài phát biểu của cô khiến cả hội trường lặng đi. Một ai đó trong hội trường đã lên tiếng để động viên cô bé: “Cháu đã làm rất tốt. Đừng dừng lại”. Bài phát biểu sau đó cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội để thể hiện sự đồng cảm với nỗi đau của những người Mỹ da đen thiệt mạng do bàn tay của cảnh sát.

Các cuộc tuần hành kéo dài nhiều ngày ở Charlotte, bang North Carolina (Mỹ) tuần trước để phản đối cảnh sát đã biến thành bạo lực sau vụ cảnh sát bắn chết Keith Lamont Scott. Cảnh sát nói rằng, người này cầm theo khẩu súng ngắn và từ chối mệnh lệnh buông súng của cảnh sát. Tuy nhiên, gia đình Scott tố ngược cảnh sát nói dối khi cho rằng lúc đó anh chỉ cầm trên tay một quyển sách chứ không phải một khẩu súng

Đây là vụ việc mới nhất trong hàng loạt vụ cảnh sát bắn chết người da đen, đặc biệt là đối với người Mỹ gốc Phi, kéo theo biểu tình bạo lực. Theo thống kê của Washington Post, kể từ đầu năm đến ngày 22/9, tại Mỹ đã có hơn 706 người bị cảnh sát bắn chết, trong đó có 173 người Mỹ gốc Phi.

Tác giả bài viết: Minh Phương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP