Biên lai thu tiền của công ty - Ảnh: Thanh Nguyên |
Mở lớp đào tạo người tìm việc cách ăn mặc, ăn nói
Em N.H.A. (24 tuổi) vừa tốt nghiệp loại khá của 1 trường đại học trên địa bàn TP.Cần Thơ. Gia đình khó khăn, em phải vừa học vừa làm suốt thời gian là sinh viên để tự lo cho cuộc sống và việc ăn học của mình. Ra trường, A. khẩn trương tìm việc.
Đầu tháng 11.2018, qua những thông tin trên mạng, A. liên hệ với 1 công ty giới thiệu việc làm nằm trên địa bàn Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Ban đầu, A. nhắn tin với 1 người nữ là nhân viên của công ty môi giới việc làm này và được hướng dẫn đến trụ sở công ty để nộp hồ sơ.
“Nhân viên công ty cam kết với em là trong 1 tháng kể từ ngày đóng tiền sẽ tìm việc cho em với mức lương thấp nhất là 4 triệu. Họ nói chuyên ngành của em hiện có 2 công ty đang cần tuyển dụng, em chắc chắn sẽ có việc. Sau đó, họ lấy thông tin cá nhân, số điện thoại của em rồi kêu em đóng 100.000 đồng tiền giữ chỗ. Thấy tiền ít nên em đóng và họ có ra biên lai hẳn hoi”, A. trình bày.
Vài ngày sau, A. có việc nên phải về quê thì công ty nhiều lần gọi điện thúc giục A. đem hồ sơ lên vì để công ty sắp xếp công việc. Khi A. lên Cần Thơ, nhân viên công ty yêu cầu đóng thêm 1,8 triệu đồng làm phí xin việc và học phí để học 1 lớp đào tạo do công ty tổ chức.
“Nhân viên công ty liên tục nhắc em đem tiền lên nộp, do cần việc nên em ráng vay mượn để có 1,8 triệu nộp. Số tiền này công ty cộng vô trong biên lai thu tiền 100.000 đồng trước đó, tức tổng cộng em đóng 1,9 triệu đồng”, A. kể.
Ngoài đóng tiền, A. và công ty này còn ký 1 cam kết với nội dung công ty đảm bảo 100% về việc làm cho A. sau khi hoàn thành các khóa học theo quy định. Khóa học mà A. cùng hàng chục học viên khác tham gia chỉ diễn ra vỏn vẹn 2 ngày với những chương trình hết sức khó hiểu.
“Lúc đầu, công ty nói là có giảng viên thuê về để đào tạo tụi em, nhưng khi học thì chỉ có người của công ty dạy. 1 buổi học chỉ diễn ra gần 3 tiếng đồng hồ, cuối buổi học đầu tiên công ty đã đem ra... 1 bộ mỹ phẩm và mời tụi em làm cộng tác viên bán hàng để nhận phần trăm hoa hồng.
Nhân viên công ty nói với học viên rằng không phải mình đi bán hàng mà phải dùng đầu óc để người khác đi bán hàng cho mình. Trong khi đó, chương trình học thì không có gì ngoài việc dạy tụi em đi làm phải ra sao, ăn mặc như thế nào. Y chang bán hàng đa cấp!”, thanh niên tìm việc bức xúc nói.
Bản cam kết tìm việc của công ty với người có nhu cầu - Ảnh: Thanh Nguyên |
Đến nay, sau gần 2 tháng đóng tiền, hoàn thành khóa học, A. được công ty này gọi lên để xếp việc nhưng nói rằng mức lương chỉ dưới 4 triệu, không đúng với cam kết lúc đầu nên A. không đồng ý. Tìm hiểu về những người đi tìm việc ở công ty này như mình, A. nghi ngờ mình bị lừa, vì công việc họ giới thiệu là bán hàng đa cấp.
“Không phải chỉ mình em không có việc, nhiều người như em. Có người túng quá, chấp nhận đi làm cộng tác viên bán hàng cho công ty này”, A. trình bày. Hiện sinh viên mới ra trường này phải đi làm công nhân để trang trải cuộc sống qua ngày.
Không có việc thì đi bán mỹ phẩm
Theo A., công ty này tìm việc cho người cần việc chủ yếu dựa trên mối quan hệ của giám đốc công ty chứ không phải liên kết với các doanh nghiệp cần tuyển dụng trước đó. Những việc làm mà công ty thường hướng tới cho sinh viên mới ra trường là nhân viên tín dụng - thực chất là CTV mà các ngân hàng quảng cáo tuyển dụng đầy rẫy, của các công ty cho vay, nhân viên bất động sản…
Chị N.T.S., ngụ Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ cho biết, do có nhu cầu tìm việc, chị tạo 1 file thông tin cá nhân về mình rồi đăng trên mạng. Công ty này sau đó tự động liên hệ và thông báo với chị là đang có nhiều vị trí phù hợp với năng lực chị.
Chị S. kể: “Khi tôi hỏi công ty làm gì và ở đâu, thì nhân viên này chỉ nói địa chỉ công ty mình, mà không nói gì thêm. Khi tôi đến công ty, nhân viên công ty tư vấn nói có 1 công ty nào đó ở Cần Thơ đang tuyển dụng với mức lương kế toán từ 7 - 8 triệu đồng.
Tôi phải đóng 10% lương thử việc tháng đầu cho công ty. Họ tư vấn xong thì kêu tôi đóng 200.000 đồng tiền cọc, phần còn lại khi nào ký hợp đồng thử việc chính thức thì đóng tiếp”.
Vốn tính cẩn thận, chị S. không đóng tiền ngay mà nói để suy nghĩ lại. Công ty trả lời, nếu quay lại thì sẽ không còn việc ở chỗ này, công ty trấn an S. rằng có bản cam kết. Thấy chắc ăn và thấy số tiền cũng nhỏ, chị S. đóng 200.000 đồng.
Vài ngày sau, chị S. tham gia khóa học. Kết thúc buổi học đầu tiên, chị S. và vài người nữa được công ty đề nghị đóng thêm 200.000 đồng nữa và nói rằng, công việc đã có và đây coi như là tiền nhận việc. Sau đó, chị S. và vài người khác được nhân viên công ty đưa đi tham quan 1 công ty trên địa bàn TP.Cần Thơ. Khi trở về, công ty lại thông báo: theo quy định, ai đóng tiền đủ trước thì sắp xếp công việc trước. Chị S. tin tưởng nên đóng tiếp 700.000 đồng.
“Nhưng sau đó, tôi và 3 người khác đi phỏng vấn ở công ty này thì rớt hết. Chúng tôi đến công ty để hỏi, thì được mời làm cộng tác viên bán mỹ phẩm. Tôi không đồng ý, thì mấy tuần sau lại nhận được điện thoại kêu đi nhận việc làm kế toán cho 1 công ty với mức lương 2 triệu, tôi không đồng ý. Họ bắt tôi chờ ngày này qua ngày khác, tôi hỏi thì họ nói đã sắp việc nhưng do tôi không chịu.
Họ cam kết một đằng làm một nẻo làm sao tôi đồng ý được, tiền thì đã thu hết. Tôi khiếu nại lên giám đốc công ty thì ông này nói do năng lực tôi này nọ, sắp việc mà tôi không chịu. Chờ hoài không được tôi lên công ty rút hồ sơ về và hỏi số tiền tôi đóng lúc trước tính sao, nhân viên trả lời đó là... tiền trả công cho giám đốc đã dạy tôi”, chị S. chua chát kể.
Chỉ riêng qua tìm hiểu sơ bộ của PV, đã có hơn 10 người đang tìm việc rơi vào hoàn cảnh của chị S. và A., sau khi suy xét họ cho rằng mình bị lừa nhưng không biết xử lý như thế nào. Theo những người này, hiện công ty đã mở những lớp đào tạo đến khóa thứ 7, 8 và vẫn có nhiều người tin tưởng liên hệ với công ty này để nhờ tìm việc.
Việc công ty này mở những lớp đào tạo, cấp chứng chỉ cho người lao động tìm việc đúng hay sai? Còn bao nhiêu sinh viên mới ra trường, người tìm việc lâm vào cảnh dở khóc dở cười khi liên hệ với công ty này? Số tiền thu của mỗi người không lớn, nhưng với số lượng nhiều thì quy ra không nhỏ. Đáng nói là rất nhiều bạn trẻ vì không biết nên ngày ngày vẫn hăng hái đóng tiền, chờ “tuyển dụng”.
(còn tiếp)
Tác giả: Thanh Nguyên
Nguồn tin: Báo Một thế giới