Cuộc sống

Bà mẹ chia sẻ mâm cỗ cúng ông Công ông Táo do con trai lớp 8 tự làm, chị em trên mạng xã hội khen nức nở, thán phục

Không chỉ chuẩn bị các món, Duy Anh (học sinh lớp 8) còn cùng mẹ lau dọn ban thờ, đi hóa vàng rất chu đáo.

Năm nay ngày 23 tháng Chạp trùng vào ngày đi làm, nên nhiều gia đình đã chuẩn bị mâm cỗ chu đáo nhất để dâng lên ban thờ từ 2 ngày cuối tuần. Trên mạng xã hội, nhiều chị em chia sẻ các mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ấn tượng, đẹp mắt và thể hiện được sự khéo léo trong từng món ăn. Trong đó, chị Trương Thu Hà (cán bộ ngân hàng sống ở Hà Nội) chia sẻ mâm cỗ cúng ông Công ông Táo do cậu con trai lớp 8 làm khiến cư dân mạng trầm trồ và hết lời khen.

Chị Hà và con trai Duy Anh.

Chị Hà và con trai Duy Anh.

Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của nhà chị Hà có cá chép xôi gấc và cá chép cơm trắng, bánh chưng nhà gói, gà nhà nuôi, giò tai nhà gói, giò lụa nhà làm, canh mọc viên nấm bí đỏ, lòng gà xào bí ngô xanh non. Trong đó, con trai chị Hà tự luộc gà, làm xôi gấc, nấu canh mọc viên nấm bí đỏ, xào lòng gà bí ngô xanh non. Tất cả đều do cậu bé làm tươm tất, khi chị Hà về chỉ đun lại cho nóng và 2 mẹ con bày biện.

mâm cúng

Ngoài giò lụa, bánh chưng, giò xào, các món còn lại đều do Duy Anh tự chuẩn bị và nấu.

Vào hôm gia đình chuẩn bị mâm cơm cúng ông Công ông Táo, chị Hà có việc bận nên nhờ con trai là bé Lê Duy Anh (học sinh lớp 8, trường Marie Curie, Hà Nội) vào bếp. Duy Anh từng vào bếp nhiều lần và thường xuyên nấu cơm tối giúp mẹ. Mặc dù, việc chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không đơn hề giản nhưng Duy Anh vẫn có thể đảm nhận dễ dàng hơn các bạn cùng trang lứa nhờ kinh nghiệm giúp mẹ nấu cơm hằng ngày.

Chị Hà cho hay: "Tôi có việc bận nên bảo con luộc gà, thổi xôi". Điều đáng nói là Duy Anh chưa bao giờ thổi xôi gấc nhưng nhờ mẹ hướng dẫn mà cậu học sinh lớp 8 vẫn hoàn tất như ý. Theo lời chị Hà, chị hướng dẫn con rã đông thịt gấc, ngâm gạo nếp 1 tiếng rồi trộn gấc và làm các bước đến khi hoàn thành. Sau đó, Duy Anh cắm cơm, chuẩn bị sẵn các nguyên liệu để mẹ về nấu canh và làm các món xào.

Nhiều chị em trên mạng xã hội thắc mắc sao dám nhờ con làm mâm cỗ cúng như vậy, chị Hà cho biết, bản thân là người thích nấu nướng. Nữ nhân viên ngân hàng cảm thấy nấu ăn là niềm vui, nên rất thích bày biện. Các con của chị Hà thường rất muốn biết mẹ sẽ cho ăn món gì và các cháu thích mẹ trang trí các món ăn thật hấp dẫn.

mâm cúng

Chị Hà cho hay để con trai làm được một mâm cúng như thế này phải qua một quá trình dài và cần có sự đồng hành của mẹ.

"Là con cả nên Duy Anh rất hay phụ giúp mẹ từ bé. Duy Anh thích phụ mẹ vì được nếm và ăn thử (cười). Khi hướng dẫn, Duy Anh hào hứng và từ lớp 5 đã tự lo bữa sáng trước khi đến lớp. Vào mùa hè, Duy Anh tự lo cơm trưa cho em suốt 3 tháng với các món đơn giản. Sau đó, con trai cả của tôi tự nấu các món đồ Âu, tự search Google tìm công thức chứ không hỏi mẹ. Sau khi hoàn tất, cháu giống hệt mẹ khi có cảm giác hào hứng với việc hoàn thành món mới được mọi người ủng hộ", chị Hà chia sẻ.

Nói về mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của gia đình năm nay, chị Hà cho hay, trong số các món bày biện trên mâm cỗ có món xôi gấc là Duy Anh chưa làm bao giờ. Tuy nhiên, thông qua sự hướng dẫn của mẹ giống như nấu cơm bình thường chỉ thêm trộn gấc ban đầu nên cậu học sinh lớp 8 đã hoàn tất gọn gàng.

Để con chuẩn bị mâm cỗ cúng, chị Hà chỉ trao đổi trước 10 phút với con. Bởi vì, Duy Anh không còn lạ gì với chuyện nấu nướng hay bếp núc, thậm chí hằng ngày cậu bé còn tự lên thực đơn cho cả nhà. Ngoài việc chuẩn bị mâm cúng ông Công ông Táo, Duy Anh còn cùng mẹ lau dọn ban thờ, bày biện mâm cúng và hóa vàng.

Duy Anh

Từ khi còn nhỏ, Duy Anh đã vào bếp giúp đỡ mẹ.

Nếu như các bé khác thường lười và ngại vào bếp thì con trai chị Hà lại hoàn toàn khác. Theo lời chị Hà, cậu bé hào hứng với các việc trong nhà, thậm chí còn "ôm việc" và biết chia sẻ cùng mẹ.

Mặc dù, việc chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo là việc nhỏ, nhưng chị Hà vẫn cảm thấy tự hào về con. Bởi, chị cho rằng, đó là một quá trình mà bản thân chị đã đồng hành, hướng dẫn cùng con bên cạnh sự đam mê và thích thú của đứa trẻ.

Chị Hà nói: "Tuy không có giáo trình dạy con nấu ăn và chả nhớ từ bao giờ nhưng tự con dần dần biết nấu hoàn thiện mâm cơm, giờ gần như thời gian nấu bếp của con nhiều hơn mẹ đúng là một quá trình dài. Đó là một sự thấm dần và tự trưởng thành, tôi cũng không hề chia hay ép giai đoạn, rất tự nhiên, đến giờ tôi chưa bao giờ thấy con khó chịu khi mẹ giao việc, con làm rất tự nguyện và trách nhiệm".

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: emdep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP