''Trông lão ta như một nhà giáo với cặp kính thật lố bịch. Lão ta liệu có biết nói tiếng Anh không nhỉ'', Tony Adams ném cho Arsene Wenger ánh nhìn không mấy thiện cảm trong lần đầu tiên gặp gỡ.
Chấp nhận sự chỉ trích để được yêu Arsenal
''Thay vì Johan Cruyff, tại sao Arsenal lại mời huấn luyện viên mà đội bóng trước đó ông ta dẫn dắt lại là CLB Nhật Bản'', nhật báo lâu đời nhất nước Anh The Guardian đặt câu hỏi. Arsene Wenger đã tới Arsenal ''sóng gió'' như thế.
Lúc đầu, Sir Alex Ferguson cũng không có thiện cảm với Arsene Wenger. Sau này, cựu huấn luyện viên MU: "Tôi thật may mắn khi có đối thủ, đồng nghiệp như Wenger". Đồ họa: Minh Phúc. |
21 năm sau, ngày 21/3/2017, sau trận đấu rất tệ của Arsenal trước West Brom, phòng họp báo đón Wenger bằng bầu không khí nặng như chì. Các phóng viên tấn công "Giáo sư" tới tấp về chuyện bao giờ ông mới chịu nghỉ việc. Wenger đáp lại một cách lịch sự, kết thúc buổi họp báo rồi tiến ra xe bus.
Đến lượt đám đông CĐV "Pháo thủ" đón Wenger bằng những ánh mắt hình viên đạn. Những tiếng la ó vang lên. Wenger bước lên xe bus rồi bất ngờ quay lại vẫy tay chào CĐV Arsenal. Đó không phải là lời chào tạm biệt, đó cũng chẳng phải lời xin lỗi. Đó chỉ đơn giản là thói quen của Wenger. Đôi khi người ta hành động theo những gì con tim mách bảo.
Sir Alex Ferguson đã dành cả cuộc đời để biến MU thành đội bóng vĩ đại, còn Wenger dành trọn cuộc đời để yêu Arsenal. Có lẽ chỉ có tình yêu mới giúp Wenger vượt qua những sóng gió, áp lực suốt bao năm ròng rã để kết thúc trọn vẹn mối tình với "Pháo thủ" ở năm thứ 22.
Arsene Wenger không có được khoản tiền đầu tư ồ ạt như các đối thủ ở Premier League. Đồ họa: Minh Phúc. |
Wenger, suy cho cùng, là người chịu thiệt trong cuộc tình này. Ngày Wenger đưa Denis Bergkamp về Highbury, fan "Pháo thủ" chê Bergkamp mảnh khảnh, lẻo khẻo, làm sao mà sống sót nổi ở môi trường bóng đá Anh khắc nghiệt. Bergkamp sau đó trở thành huyền thoại, nhưng chưa một ai xin lỗi Wenger. Họ coi đó là điều nghiễm nhiên.
Rồi sau này, khi lần lượt Chelsea và Man City được tiếp quản bởi những tỷ phú lắm tiền và rất yêu bóng đá, 2 “gã trẻ con” này cứ lớn mạnh dần nhờ bầu sữa tiền của các ông chủ. Sau khi Sir Alex về hưu, đến cả MU cũng chi tiêu điên cuồng.
Chỉ còn lại duy nhất Arsenal năm nào cũng mua sắm như một kẻ chết đói đi xin từng bát cơm. Nhiều người chê cười Wenger khi hễ có cầu thủ nào nổi tiếng, "Giáo sư" lại lên báo phát biểu: “Tôi suýt mua anh ta” vào năm xyz nào đó. Xét về mắt nhìn người, Wenger luôn nằm trong top những huấn luyện viên có nhãn quan tốt nhất thế giới. Tiếc rằng, ông không có tiền.
Trong khi các đại gia cho nổ bom tấn hàng loạt, thì Arsenal phải dè xẻn mỗi năm nổ một quả. Mesut Oezil, Alexis Sanchez, Granit Xhaka và mới nhất là Pierre-Emerick Aubameyang. Họ đến Emirates lần lượt chứ không thể cùng lúc gia nhập ồ ạt như Man City hay Chelsea được. Wenger luôn ở trong tình trạng nếu đã mua được một ngôi sao ở hàng tấn công thì chẳng còn tiền để gia cố hàng thủ.
Arsene Wenger tự nhận hết cay đắng
Arsene Wenger lập kỳ tích khi cùng Arsenal vô địch mùa giải 2003/04 với thành tích bất bại. Ảnh: Sports. |
Wenger có muốn mua cầu thủ không? Dĩ nhiên là muốn, rất muốn. Trong khi các đại gia được hưởng lợi từ tình yêu bóng đá của các ông chủ, Wenger lại phải giơ đầu chịu báng vì những ông chủ hút máu. Suốt nhiều năm qua, thượng tầng Arsenal chỉ thấy tranh nhau từng cổ phiếu chứ chẳng thấy làm gì cho "Pháo thủ". Thậm chí tiền của Arsenal còn bị lén lút chuyển về Mỹ, dù "Pháo thủ" luôn thiếu thốn để mua sắm.
Phải rất yêu Arsenal, Wenger mới “nước mắt chảy xuôi”, tự nhận hết cay đắng về mình. Cứ nhìn Premier League mà xem: Antonio Conte không được mua sắm theo ý mình đã ngay lập tức gào lên gây sự với Abramovich, Jose Mourinho hễ đề xuất mua cầu thủ nào là ban lãnh đạo MU phải chấp thuận, còn Man City thì khỏi bàn.
Trong khi đó, Wenger chưa dám một lần phàn nàn về sự hà tiện của các ông chủ. Vì yêu Arsenal, ông luôn tự nhận hết tội lỗi về mình. Ông chưa từng đổ lỗi cho một cậu học trò nào, chưa từng chỉ trích các CĐV thiếu nhiệt thành với "Pháo thủ", thậm chí cũng chẳng buồn lên tiếng khi dòng chữ “Wenger out” được fan Arsenal giơ khắp thế giới.
Vị "Giáo sư" tội nghiệp ấy vì quá yêu Arsenal nên mới tìm mọi cách để được trọn nghĩa trọn tình với "Pháo thủ", bất chấp bị chê cười là tham quyền cố vị.
Ngày Wenger nhận lời dẫn dắt Arsenal, nhiều cầu thủ trong đội hình hiện tại của "Pháo thủ" thậm chí còn chưa biết trái bóng hình tròn. Ngày ông tuyên bố chia tay, nhiều ngôi sao Arsenal đã khóc (trung vệ đội trưởng Per Metersacker xác nhận điều này). Vì hơn ai hết, các học trò cảm nhận được Wenger đối với Arsenal bằng cái tình chứ không phải chỉ để thỏa mãn cái tôi của bản thân.
Cảm ơn ông, Wenger!
Tác giả: Kiều Phong
Nguồn tin: zing.vn