Apple đã tuyên bố rót một tỷ USD vào Didi Chuxing, được coi là Uber Trung Quốc. Didi hiện chiếm tới 90% thị phần mảng đi chung xe trong nước.
Piper Jaffray cho rằng khách hàng vốn chẳng bận tâm tới mình đang đi trên hãng xe nào, miễn là có thể đến được nơi mình muốn. Vậy có lẽ Apple không hề sản xuất xe, mà đang nuôi tham vọng mang lại sức mạnh cho tương lai ngành giao thông.
Khi sử dụng dịch vụ của Uber, chẳng mấy khách hàng để ý tới thương hiệu xe. Vì thế, các nền tảng đi chung xe này mới chính là bên được nhiều lợi nhất. Piper Jaffray không chắc chắn mục đích đằng sau lần đầu tư này của Apple. Nhưng họ cho rằng nếu Apple có thể kết hợp giữa phần mềm tự lái với phần cứng có thiết kế thời trang và tiện dụng, họ có thể lặp lại thành công như với iPhone và kiếm được cả tỷ USD.
CEO Apple - Tim Cook đang tiếp cận Trung Quốc để chuẩn bị cho dịch vụ mới. Ảnh: Mindlessmag
Thử tưởng tượng bạn chỉ việc bấm nút trên iPhone hoặc Apple Watch và một chiếc xe không người lái sẽ lập tức xuất hiện. Bạn ngồi lên và nói với trợ lý ảo Siri địa điểm muốn đến, yêu cầu cập nhật tình hình giao thông, bật radio, xem đá bóng hoặc dùng bluetooth để phát nhạc từ iPhone. Sau đó, bạn có thể thoải mái làm việc hay giải trí trên điện thoại, máy tính bảng hoặc laptop được kết nối với wifi ngay trên xe.
Tất cả đều được hỗ trợ bởi phần mềm và phần cứng từ Apple. Nhưng nó không phải là Apple Car. Đây là một phần của trải nghiệm giao thông. Đầu tư vào dịch vụ đi chung xe lớn nhất ở Trung Quốc sẽ giúp Apple thu thập đủ thông tin và tạo nền tảng vững chắc để cho ra mắt dịch vụ.
Google cũng đang có ý định tương tự. Và họ đã có các phần mềm hỗ trợ, như bản đồ, để tăng tính khả thi cho loại dịch vụ này. Google đã liên kết với một vài hãng xe, như Ford, thay vì tự sản xuất xe.
Uber cũng vậy, Việc họ thuê một nhóm nghiên cứu xe tự lái không có nghĩa họ muốn sản xuất xe riêng.
Họ là các hãng phần mềm, không phải hãng xe. Và những động thái này có lẽ đang báo hiệu cho một ngã rẽ mới của ngành giao thông.
Tác giả bài viết: Hà Tường