Bà Lê Thị A (ngụ Bình Hòa A, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) phản ánh 12 năm qua bà vẫn chưa được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ (BQL) trả tiền bồi thường bổ sung cho phần đất đã bị thu hồi vì dự án làm đường.
Tranh chấp nội bộ kéo dài
Bà A trình bày năm 2003, mẹ ruột của bà là Nguyễn Thị Chanh được UBND huyện Ô Môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích 15.183 m2 tại tờ bản đồ số 3, thửa 253 (đất cấp cho hộ).
Trước đó, từ năm 1993 bà A đã được bà Chanh cho một phần đất, xây nhà sinh sống trên thửa 253 nói trên. Cũng năm 2003, dự án mở rộng quốc lộ 91B ảnh hưởng khoảng 506,7 m2 của thửa 253, đúng ngay vị trí đất bà A sinh sống. Do đó, bà Chanh đã cho bà A được nhận số tiền bồi hoàn hơn 63 triệu đồng.
Năm 2006, hộ bà Chanh được bồi thường bổ sung cho phần đất trên hơn 50 triệu đồng nữa. Tuy nhiên, thời điểm này, bà Lê Thị Mỹ Hằng (em bà A) có xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất thửa 253A (liền kề với thửa 253) nên đã ngăn chặn, không cho bà A nhận tiền bồi thường bổ sung.
“Trong cuộc họp với bốn hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng (hội đồng) do ông Bùi Thái Thượng (đại diện BQL) yêu cầu chúng tôi giao mặt bằng để thi công đúng tiến độ. Riêng nguồn tiền bồi thường sẽ được gửi vào Ngân hàng Nhà nước do hội đồng đứng tên. Sau này khi có quyết định cuối cùng của tòa thì sẽ chi trả cho các hộ dân kể cả tiền lãi suất” - bà A nói.
10 năm sau, TAND Cấp cao tại TP.HCM ra bản án phúc thẩm công nhận thửa đất 253A thuộc quyền sử dụng của hộ bà Chanh. Khi bà Chanh qua đời đã để lại di chúc với nội dung cho bà A đứng tên quyền sử dụng đất thửa 253A.
Bà A đem bản án cùng các giấy tờ liên quan đến liên hệ với BQL yêu cầu được nhận số tiền bồi thường bổ sung. “Thế nhưng lúc này ông Thượng lại nói tôi về quận Ô Môn để giải quyết. Khi tôi đến quận thì quận lại nói không thuộc thẩm quyền, kêu tôi quay lại BQL. Hai bên cứ đẩy qua đẩy lại làm tôi rất khổ sở mà vẫn không giải quyết được gì” - bà A bức xúc.
Một phần mảnh đất của hộ bà Chanh nay đã trở thành quốc lộ thênh thang. Ảnh: H.DƯƠNG |
Có thỏa thuận vẫn phải chờ tòa
Do không được BQL giải quyết, bà A đã làm đơn khiếu nại đến Văn phòng UBND TP Cần Thơ. Văn phòng đã có văn bản trả lời bà với nội dung: “Kinh phí thực hiện dự án quốc lộ 91B do Bộ GTVT quản lý. Hiện nay, ngành chức năng thành phố đã và đang liên hệ với Bộ để cấp kinh phí chi trả. Đề nghị hộ ông Lê Văn Ba (đại diện là bà A) thông cảm. Khi bố trí được kinh phí sẽ chi trả trong thời gian sớm nhất”.
Trả lời về khúc mắc của bà A, BQL cho biết số tiền hơn 50 triệu đồng trên là phần hỗ trợ giá đất nằm trong thâm hậu dự án đối với phần diện tích được bồi thường của gia đình ông Ba, bà Chanh. Khi BQL chuẩn bị chi trả số tiền này thì lại xảy ra vụ tranh chấp của bà Hằng. Sau khi tòa có phán quyết, BQL đã đề nghị hộ ông Ba cử người đại diện nhận tiền nhưng những người con của bà Chanh không thống nhất. Do đó, BQL không chi trả được.
Sau đó, trong quá trình rà soát, trích lục hồ sơ, BQL lại phát hiện thêm thông báo về việc thụ lý vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế theo đơn khởi kiện của ông Lê Văn Bé (một trong chín người con của ông Ba và bà Chanh) của TAND TP Cần Thơ. Vì vậy, việc chi trả tiền buộc phải dừng lại.
Phản đối lý giải này, bà A cho rằng trước đó gia đình bà gồm bà Nguyễn Thị Chanh và các con là Lê Văn Bé, Lê Thị A, Lê Thị Mỹ Huyền đã có văn bản thỏa thuận (được chứng thực), đồng ý cử bà A làm đại diện, liên hệ BQL nhận tiền bồi thường nhưng lại không được BQL xem xét.
Bảo lưu ý kiến của mình, BQL khẳng định họ chỉ có thể chi trả tiền bồi thường bổ sung khi có văn bản thỏa thuận của người đại diện nhận tiền của hộ ông Ba và có phán quyết cuối cùng của tòa án về việc tranh chấp chia di sản.
Tác giả: HẢI DƯƠNG
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM