Tin địa phương

An toàn thực phẩm ở chợ

Trong thực hiện an toàn thực phẩm của chương trình “Thành phố 4 an”, nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm, các chợ trên địa bàn huyện Hòa Vang triển khai nhiều hoạt động để người dân mua thực phẩm ở chợ chính là mang niềm vui về nhà.

Các quầy hàng bán rau, củ, quả ở chợ Túy Loan sạch sẽ, bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 19 chợ, gồm 3 chợ loại 2 do huyện quản lý (chợ Túy Loan, chợ Lệ Trạch và chợ Miếu Bông) và 16 chợ loại 3 do các xã quản lý. Tuy việc bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn thường xuyên được tổ quản lý các chợ nhắc nhở, đôn đốc các tiểu thương, nhưng từ sau ngày 20-3-2017 - thời điểm thành lập Ban quản lý Các chợ huyện Hòa Vang - công tác này mới được triển khai đồng bộ và đi vào chiều sâu hơn.

Ông Tán Văn Quang, Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ Túy Loan cho biết, Tổ quản lý chợ Túy Loan vận động bà con tiểu thương, trước mắt là 360 hộ kinh doanh cố định ở đình 1 và đình 2 đầu tư trên 641 triệu đồng làm quầy, đóng sạp theo mẫu mã thống nhất.

Quầy nhiều nhất là 9 triệu đồng ở ngành hàng gia vị, gồm đóng thùng sắt, lát gạch men, tuy tốn tiền một chút nhưng đến tối chỉ cần đóng cửa ra về, không phải lo lắng gì. Quầy ít nhất chỉ tốn 600.000 đồng, chủ yếu là đóng bàn inox ở ngành hàng rau, hàng rong. Cùng với đó, 130 người bán hàng nhỏ lẻ cố định trong chợ cũng đã có mái che, đóng thùng, đóng kệ theo phương thức xã hội hóa.

Riêng 80 hộ kinh doanh hàng rong sắp tới sẽ được dời ra khu đất trống 700m2, tổ quản lý vận động lắp mái che thay vì dùng các loại dù, bạt. Ông Quang cho biết, dù, bạt đã chiếm nhiều diện tích, trông nhếch nhác, kém văn minh. Hệ thống thoát nước ở chợ đã được xây dựng bài bản, tổ quản lý chợ mỗi tuần 2 lần dọn vệ sinh, xịt nước rửa và phun thuốc diệt ruồi, khử trùng.

UBND huyện chủ trương lắp đặt hệ thống camera giám sát tại chợ Túy Loan. Ông Lê Đức Trí, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hòa Vang, đơn vị trực tiếp thi công cho biết, công trình có tổng kinh phí trên 500 triệu đồng; ngoài chợ lắp 5 camera với kinh phí của huyện; bên trong chợ lắp 6 camera, do có tài sản của tiểu thương nên kinh phí được phân chia theo tỷ lệ các ngành hàng 70%, Nhà nước 30%.

Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát này sẽ góp phần đưa chợ Túy Loan đạt chuẩn “Chợ văn minh thương mại”, sau khi đạt chuẩn “Chợ an toàn thực phẩm”. Cũng theo ông Trí, sau chợ Túy Loan, Phòng Kinh tế và Hạ tầng tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Các chợ triển khai các tiêu chí xây dựng Chợ an toàn thực phẩm đối với chợ Miếu Bông. Chợ Miếu Bông được đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng năm 2011, do đó điều kiện cơ sở vật chất tại đây tương đối bảo đảm, dễ dàng xây dựng Chợ an toàn thực phẩm.

Vừa qua, UBND huyện đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục của chợ Miếu Bông, gồm: cải tạo, lát gạch gốm 360m2 nền ngành hàng rau củ quả, lợp mái tôn hành lang giữa ngành hàng này với hàng thịt cá; đổ bê-tông, nâng nền giữa hai ngành hàng này; nạo vét mương quanh chợ; cải tạo, nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy... Tổng kinh phí các hạng mục khoảng 400 triệu đồng, chi từ nguồn tăng thu đấu giá chợ.

Chợ Lệ Trạch đang trong quá trình xây dựng chợ mới, các hộ kinh doanh thực phẩm rau, củ, quả, cá, thịt còn đang bán ở chợ tạm nên chưa thể vận động bà con tiểu thương đóng sạp, quầy. Ông Nguyễn Đăng Dự, Trưởng ban Quản lý Các chợ huyện Hòa Vang, đề nghị Ban Giải tỏa đền bù thành phố và huyện sớm tiến hành giải tỏa, đền bù các hộ dân nằm trong khu vực quy hoạch xây chợ Lệ Trạch để chợ sớm hoàn thành đi vào hoạt động và bảo đảm ATVSTP trong thời gian sớm nhất.

Bà Đinh Thị Phương Thủy, Phó ban Quản lý Các chợ huyện Hòa Vang khẳng định: “Tiểu thương đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các tiêu chí ATVSTP tại các chợ. Chính nhận thức của bà con trong vấn đề này đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng “Chợ an toàn thực phẩm” của chợ Túy Loan và các chợ khác sau này ở Hòa Vang”.

Tác giả: VĂN THÀNH LÊ

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP