Cần có sự chung tay của toàn xã hội xây dựng trường học hạnh phúc để học sinh biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ nhằm đẩy lùi nạn bạo lực học đường. Ảnh: Quang Vinh. |
Liên tiếp những vụ việc ngày giáp Tết
Với sự bùng nổ của Internet, những video ghi lại các vụ bạo lực học đường hiện nay dễ dàng tìm thấy trên mạng, thậm chí được lưu giữ rất lâu càng gây tổn thương sâu sắc hơn cho không chỉ nạn nhân vụ việc mà cả gia đình, bạn bè của nạn nhân, những người chứng kiến, tham gia vào vụ việc… Điều này khiến dư luận phẫn nộ cũng như lo ngại về sự gia tăng của tính chất côn đồ, hung hãn của các đối tượng. Nạn nhân trong các vụ việc thường là cá nhân hay một nhóm học sinh, bị một nhóm học sinh khác sử dụng vũ lực xô xát hoặc các hình thức bạo lực bằng lời nói, hành động…
Ngày 17/12, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nam sinh đang đi ở sân trường thì bị bạn chặn đường, liên tiếp đấm vào mặt, đá vào bụng. Chỉ đến khi nam sinh này nằm gục xuống đất, sự việc mới dừng lại. Thời điểm diễn ra sự việc có sự chứng kiến của nhiều học sinh khác, nhưng không ai vào can ngăn. Hai nam sinh này sau đó được xác minh đang học lớp 10 Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa.
Cũng lan truyền trên mạng xã hội những ngày cuối tháng 12 này là 2 clip ghi cảnh nhóm học sinh mặc đồng phục thể dục in tên Trường THCS - THPT Phú Quới (xã Phú Quới, huyện Long Hồ) đánh hội đồng lần lượt 2 nữ sinh khác mặc đồng phục giống của Trường THCS Lộc Hòa (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) cùng thuộc tỉnh Vĩnh Long. Vụ việc xảy ra ở khu vực vắng vẻ, 2 nữ sinh bị túm tóc kéo ngã, đấm đá liên tục vào người và chỉ biết ôm đầu chịu trận, xung quanh có nhiều học sinh khác nhưng không ai can ngăn, một người dùng điện thoại quay lại cảnh đánh nhau.
Trước đó, nữ sinh lớp 11 ở thôn Thanh Sơn (xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), bị nhóm bạn cùng trường đánh gãy đốt sống cổ với kết quả giám định, tổng tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể tại thời điểm giám định là 23%.
Ngày 28/11, một học sinh lớp 10 Trường THPT An Biên (thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) bị một nhóm học sinh lớp 9 gồm 4 người đánh hội đồng dẫn đến phải nhập viện.
Ngày 11/11, sau buổi chào cờ tại Trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), do một học sinh mách bạn đánh nhau với cô giáo chủ nhiệm nên các em sau đó xảy ra xích mích, lao vào đánh nhau khiến hai nữ sinh phải nhập viện.
Đáng báo động hơn, tình trạng bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh khối lớp lớn mà giờ đây đã lan sang cả khối tiểu học. Vừa qua, clip một học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Phước Tân (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị nhóm bạn đánh vì có xích mích đăng trên mạng xã hội Facebook. Vụ việc xảy ra tại một ngôi nhà cô giáo chủ nhiệm thuê gần trường để học sinh ăn cơm trưa rồi buổi chiều đến lớp học. Thời điểm này, cô giáo ăn cơm bên ngoài nên không biết sự việc xảy ra. Lúc này có một em mang điện thoại ra quay lại, sau đó phụ huynh mới phát hiện và đăng trên Facebook thì nhà trường mới biết.
Liên tiếp các vụ việc đánh hội đồng xảy ra với một hình ảnh quen thuộc đến đau lòng là có không ít những học sinh khác chứng kiến nhưng không ai can ngăn, thậm chí có người còn cổ vũ, có người lấy điện thoại ra quay lại. Không dừng lại là những vết thương ngoài da mà nhiều vụ việc còn gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của nạn nhân. Đặc biệt, nỗi đau tinh thần, sự suy sụp của nạn nhân vì lo lắng, uất ức… sẽ không chỉ diễn ra trong vài ngày, vài tháng mà có thể theo các em suốt cả cuộc đời. Nhất là có những vụ việc bắt nạt, đánh nhau xảy ra vài tháng sau nhà trường, gia đình mới phát hiện nên sự tổn thương của nạn nhân đã không thể đo đếm được, càng không được can thiệp về tâm lý kịp thời, hiệu quả nên sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến các em.
Nhìn rộng hơn, những hệ lụy mà bạo lực học đường mang lại không chỉ là nỗi đau, nỗi ám ảnh với ngành giáo dục mà với toàn xã hội. Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, khi chỉ một vài thao tác trên mạng là những hình ảnh bạo lực không chỉ của những người xa lạ mà có thể là chính con em mình, bạn bè, người thân hoặc bản thân chúng ta từng phải chịu lan tràn trên mạng, ai cũng có thể xem và bình luận, phán xét. Ở lứa tuổi học sinh, khi các em vẫn chưa đủ nhận thức chín chắn về mọi điều hay, lẽ phải trong cuộc sống, chưa có đủ kỹ năng ứng xử hài hòa trong mọi mối quan hệ, ảnh hưởng của những vụ việc này sẽ càng nghiêm trọng hơn, thậm chí ảnh hưởng đến tương lai của một đứa trẻ nếu không được can thiệp, ngăn chặn đúng cách, kịp thời.
Tư vấn tâm lý học đường cho học sinh tại Trường THCS Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ảnh: THANH HUYỀN. |
Tăng đề kháng với bạo lực học đường
Cảnh báo bạo lực học đường với các hành vi bao gồm bạo lực về thể chất, bạo lực tinh thần và bạo lực công nghệ… TS Lê Thị Thanh Thủy (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng gia đình, nhà trường cần trang bị cho trẻ những kỹ năng ứng phó và xử lý tình huống cũng như kỹ năng tự bảo vệ mình khi bạo lực xảy ra. Tùy theo mức độ bạo lực để có cách xử lý khác nhau. Nhưng quan trọng nhất là cần có sự chung tay của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành, sự bám sát của giáo viên, của cha mẹ và của các bên liên quan.
Trong đó, nhà trường cần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, có các chương trình phòng ngừa, giáo dục trang bị kỹ năng cho học sinh. Đặc biệt, hiệu trưởng với trách nhiệm là người đứng đầu có vai trò trong việc xây dựng trường học kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và đổi mới. Mới đây, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) đã bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo vì không thực hiện đúng trách nhiệm của hiệu trưởng, để xảy ra bạo lực học đường nhiều lần nhưng không có giải pháp, không xử lý triệt để cũng như thiếu biện pháp hỗ trợ, đồng hành với gia đình.
TPHCM là địa phương đầu tiên xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc. Trong đó, có một số nội dung liên quan đến bạo lực học đường được cho là quan điểm tích cực và tiến bộ về giáo dục. Cụ thể, bộ tiêu chí hướng dẫn, học bạ là sự ghi nhận suốt hành trình học tập và theo suốt hành trình về sau của mỗi con người. Vì thế, giáo viên cần ghi nhận mặt ưu điểm, còn nhược điểm, khuyết điểm chỉ là một phần của thời học sinh. Khi đánh giá khuyết điểm, nhà trường cần xem xét cả quá trình theo dõi sau khi đã phối hợp với gia đình, hỗ trợ học sinh. Cần xem xét kỹ câu chữ khi nhận xét vào học bạ của học sinh. Nhà trường lưu giữ hồ sơ liên quan đến kỷ luật học sinh theo quy định. Hạn chế ghi hình thức kỷ luật vào học bạ của học sinh.
Dẫu vậy, nhìn từ thực tế hiện nay, bạo lực học đường đang gây nhiều khó khăn trong việc giáo dục học sinh trong nhà trường bởi dù thầy cô giảng bao nhiêu bài học nhân văn, nói bao nhiêu lời hay ý đẹp nhưng khi chứng kiến những vụ việc đánh nhau dã man do chính những người bạn cùng lớp, cùng trường… gây nên, chắc chắn học sinh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TPHCM cho biết, khi có sự việc xảy ra, quan điểm của ngành là kiên quyết xử lý triệt để. Trong đó, phải xem xét kỹ các thông tin mang tính đa chiều, xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý, lãnh đạo đương nhiệm có liên quan… Bên cạnh đó, phải thực hiện công tác giáo dục bởi học sinh ở độ tuổi học đường với sự tương tác từ mạng xã hội và xã hội hiện đại có rất nhiều vấn đề đòi hỏi ngành giáo dục phải đặt trách nhiệm xây dựng văn hóa học đường vào nhiệm vụ trọng tâm. Làm sao để học sinh hạnh phúc khi đến trường là tiêu chí quan trọng.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, để loại bỏ bạo lực học đường, người phải làm nhiều việc nhất chính là học sinh. Nếu các em học tập tốt, sống có hoài bão, có lý tưởng, biết yêu thương, biết quan tâm, chia sẻ, những người như vậy ắt hẳn sẽ không thực hành bạo lực với người khác. Nếu các em có đủ kỹ năng để có thể tự giải quyết được việc của mình, giúp bạn giải quyết được vấn đề của các bạn thì bạo lực không có chỗ trong học đường. Nếu các em có kỹ năng biết chọn lọc thông tin, biết sử dụng mạng xã hội, bày tỏ chính kiến thì cũng không có chỗ cho ảnh hưởng xấu độc của mạng xã hội... Sự tu dưỡng của bản thân, tình yêu thương, các kỹ năng, thái độ là những việc rất quan trọng mà các em cần làm để đẩy lùi bạo lực học đường. Ai làm tốt việc người đó, từ các thầy cô hiệu trưởng, các thầy cô chủ nhiệm, tư vấn tâm lý làm hết trách nhiệm của mình; văn hoá học đường làm tốt; pháp luật được thực thi… chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi được bạo lực học đường, xây dựng môi trường hạnh phúc - là môi trường thực tế đang có của chúng ta. |
TS Hoàng Trung Học - Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục: Cần lên tiếng trước bạo lực học đường
Thời gian gần đây, vấn nạn bạo lực học đường trở nên đáng lo ngại, xét cả theo số vụ, tính chất nguy hiểm và mức độ ảnh hưởng. Nguyên nhân mỗi vụ việc mỗi khác song có một số vụ việc nạn nhân không phải lần đầu tiên bị đánh, bị bắt nạt nhưng vì lo sợ bị trả thù, bị đánh… nên đã im lặng, không phản kháng dẫn đến các hành vi bắt nạt ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, trong trường hợp bị bạo lực học đường, đừng đưa ra lời khuyên nhẫn nhịn với học sinh, con em mình. Chúng ta không tán thành việc con trẻ dùng bạo lực với người khác. Chúng ta cũng không cổ xúy việc dùng bạo lực để chế ngự bạo lực, nhưng cần dạy trẻ cách ứng phó tích cực. Đó là biết tự vệ, biết lên tiếng trước bạo lực thay vì chịu trận và trở thành nạn nhân. |
Tác giả: Thu Hương
Nguồn tin: daidoanket.vn