Đó là khẳng định của ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với báo chí ngày 25/7 về việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại hơn 400 tấn cá do thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai cho hay trước thời điểm xả lũ, theo quy định, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi các địa phương thông báo về việc khả năng hồ thủy điện Hòa Bình sẽ xả lũ.
Vì vậy, các địa phương phải chủ động triển khai thông báo cho người dân vùng hạ du được biết, đồng thời có các phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
“Ban chỉ đạo đã thông báo địa phương từ rất sớm. Chúng ta đã làm tốt công tác xả lũ, thực hiện đúng quy trình, quá trình xả lũ được đánh giá tốt, đảm bảo an toàn hạ du, không có thiệt hại về người. Đáng tiếc, một số hộ dân ở Tuyên Quang, Phú Thọ và Hòa Bình đã thiệt hại thủy sản, cá nuôi trên lồng bè do sặc nước”, ông Chính nói.
Thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến hơn 400 tấn cá của người dân bị chết. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Thông tin từ các địa phương bị ảnh hưởng do thủy điện Hòa Bình xả lũ thì khoảng 400 tấn cá nuôi ở các lồng bè vùng hạ du bị chết do sặc nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết khu vực chịu thiệt hại nặng của tỉnh là huyện Thanh Sơn, có hơn 440 lồng bè nuôi cá của người dân. Trong đó, hơn 200 lồng bè có cá ở huyện Thanh Sơn bị chết ngạt khí do xả lũ, thiệt hại ước tính 350 tấn. Tỉnh Hòa Bình có khoảng 250 lồng bè bị thiệt hại, khoảng trên 50 tấn cá, ước tính trên 6 tỷ đồng.
Về việc hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại, ông Văn Phú Chính cho hay vấn đề này thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Các địa phương cần triển khai ngay việc hỗ trợ thiệt hại để bà con yên tâm ổn định sản xuất.
“Đầu năm 2017, Chính phủ đã có Nghị định 02 về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai lũ lụt, các địa phương có trách nhiệm đánh giá thiệt hại, kiểm kê thiệt hại của người dân, sau đó chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thiệt hại. Nếu địa phương thấy số tiền hỗ trợ thiệt hại vượt quá ngân sách thì báo cáo cho Bộ Nông nghiệp để bộ báo cáo Chính phủ tính toán phương án hỗ trợ tiếp theo”, ông Chính khẳng định.
Theo lãnh đạo Cục Phòng chống thiên tai, qua việc này, các địa phương cần chủ động hơn, tuyên truyền liên tục để bà con vùng hạ du nắm được thông tin để có phương án đảm bảo an toàn. Người dân cũng không nên chủ quan.
Nghị định 02 (ngày 9/1/2017) quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh như sau: Lồng, bè nuôi nước ngọt bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 7,1-10 triệu đồng/100 m3 lồng; thiệt hại 30-70%, hỗ trợ 3-7 triệu đồng/100 m3 lồng. Diện tích nuôi cá nước lạnh (tầm, hồi) thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 35,5- 50 triệu đồng/ha; thiệt hại 30-70%, hỗ trợ 15 đến 35 triệu đồng/ha. |
Tác giả: Thắng Quang
Nguồn tin: zing.vn