Việc doanh nghiệp Việt tự hạ giá chào bán khiến giá cá tra liên tục phá đáy, làm cho cả doanh nghiệp và người nuôi lao đao |
Bài học kinh điển Tân Hiệp Phát
Đề cập đến câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lấy ví dụ kinh điển trong kinh doanh là trường hợp Tân Hiệp Phát. Ông Kiên đánh giá, thành công của Tân Hiệp Phát hôm nay nhờ chọn đúng thị trường. Khởi nghiệp trong thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp đi vào thị trường nước uống mà từ trước tới nay ta bỏ ngỏ. Và họ đã có thị phần thật, đó là thành công đầu tiên. Thành công thứ hai, giúp Tân Hiệp Phát trở thành doanh nghiệp hàng đầu về đồ uống là áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ ban đầu. Họ đầu tư hệ thống dây chuyền không phải thế hệ F2 mà tương đương trình độ các nước tiên tiến. Thành công thứ ba, là người đứng đầu Tân Hiệp Phát biết họ yếu ở đâu. Thay vì quản trị công ty theo mô hình gia đình, họ đi thuê người nước ngoài, khắc phục tác phong và cách thức làm việc của công nhân Việt Nam…
Thành công là thế nhưng ông Kiên tiếc nuối khi đề cập tới câu chuyện “Con ruồi 500 triệu đồng” và “bản án 2.000 tỷ đồng” mà Tân Hiệp Phát phải hứng chịu do cách ứng xử với người tiêu dùng và đại lý gây ồn ào dư luận cách đây mấy năm. “Các công ty lớn có thương hiệu muốn vươn ra biển lớn không bao giờ làm thế mà ngay lập tức tìm cách biến người có nguy cơ, đối thủ trở thành đối tác”, ông Kiên nói.
Ông Kiên cũng đề cập tới vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong câu chuyện này. Theo đó, VCCI trong đó có Ban Pháp chế phải tăng cường tư vấn trách nhiệm xã hội, ứng xử sự cố cho doanh nghiệp. Vì theo ông Kiên, kinh nghiệm có, quản trị có nhưng trách nhiệm xã hội chưa ngang tầm thì rất dễ bị mất thị trường. “Đó là cái tôi lo ngại khi doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường thế giới”, ông Kiên nhấn mạnh.
Đã nhỏ rồi nay muốn nhỏ hơn?
Ông Nguyễn Đức Kiên nêu 5 thách thức các doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi ra thị trường thế giới như: Chiến lược kinh doanh không rõ ràng, lại “vừa nhỏ, vừa bí mật, làm một cái ăn ngay rồi giải tán”. Bên cạnh đó, nếu so về khoa học công nghệ còn đi sau các nước 2-3 thế hệ. Nguồn nhân lực tồn tại nghịch lý, cùng một người Việt Nam nhưng nếu vào môi trường công nghiệp ở nước tiên tiến thì thành công nhân, nhưng “nếu ở Việt Nam thì đúng là bác nông dân ra thành phố, mang hết thói quen nền sản xuất tiểu nông ra biển lớn”. Ông Kiên cũng đề cập tới chế độ đãi ngộ với người lao động khi bị áp nhãn quan công chức vào quản trị doanh nghiệp từ việc quy hoạch cán bộ nguồn tới đào tạo trình độ lý luận chính trị cao cấp… mới được bổ nhiệm trong khi doanh nghiệp các nước chỉ nhìn vào hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Yếu tố cuối cùng mà ông Kiên nhắc tới là sự liên kết sản xuất. “Nếu nói cùng nhau đi ra ngoài cạnh tranh thì tôi nói rất thật là rất kém”, ông Kiên nhận xét và lấy ví dụ về tình trạng các doanh nghiệp cá tra. Cụ thể, về địa phương khảo sát thấy cũng mặt hàng đó nếu thống nhất chào bán ra thị trường thì giá cao hơn nhưng chính doanh nghiệp Việt Nam lại tự hạ giá chào bán khiến giá cá tra liên tục phá đáy, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nông dân.
TS. Nguyễn Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng, việc hạ giá cá tra phá đáy góp phần dẫn tới tình trạng 12 nhà nuôi cá da trơn của Mỹ đã đánh bại cả ngành cá tra Việt Nam. “Thời gian đầu là cạnh tranh không công bằng doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước. Đến nay, các doanh nghiệp trong nước tiếp tục chới với khi đấu tranh với doanh nghiệp FDI. Rất vất vả. Các công ty Việt Nam đã nhỏ nay có chiến lược muốn nhỏ hơn, muốn giấu mình. Nhỏ, ngắn, bí mật”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, đây cũng là nguyên nhân vì sao VCCI thời gian qua luôn đề cập câu chuyện các doanh nghiệp không muốn lớn, các hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp. “Những cái đó ảnh hưởng lớn tới cung cách hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam dẫn tới cạnh tranh xấu là kéo nhau đi xuống. Anh nào gian, quan hệ tốt thì thắng nên không hướng tới cạnh tranh, thị trường và nâng cao năng suất lao động. Đó là toàn bộ những điều phải thay đổi biến năng lực cạnh tranh quốc gia thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, TS. Đặng Kim Sơn nói.
"Các doanh nghiệp hiện nay cả lớn lẫn nhỏ phải đánh giá lại mình đang ở đâu, mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào. Hai là phải nhìn ra thị trường, có chiến lược tốt, tránh chộp giật, đầu cơ. Phải tính toán làm sao đặt mình trong chuỗi sản xuất, nhất là với các doanh nghiệp vừa và lớn càng cần phải như vậy”. Chuyên gia kinh tế |
Tác giả: Cao Sơn
Nguồn tin: Báo Giao thông