LG OLED W8 Sản phẩm gây ấn tượng với thiết kế mỏng tựa tấm kính, gần như không viền. Để làm được điều này, LG đã đưa toàn bộ các cổng kết nối, hệ thống điều khiển của OLED W8 xuống loa thanh, nối với TV thông qua sợi cáp mảnh. Công nghệ OLED không chỉ giúp thiết bị đạt độ mỏng chỉ khoảng 2 mm mà còn thể hiện màu sắc rực rỡ, góc nhìn rộng. Trên dòng TV 2018, LG phát triển chip Alpha A9 để tăng xử lý hình ảnh. Với những công nghệ độc đáo, OLED W8 là dòng TV 2018 đắt nhất ở Việt Nam hiện nay. Phiên bản 65 inch của model này có giá 300 triệu đồng, còn bản 77 inch lên đến 650 triệu đồng. |
Sony OLED A9F Cũng dùng công nghệ OLED nhưng TV của Sony được thiết kế thành một khối. Màn hình A9F ngoài việc hiển thị còn đóng vai trò loa với công nghệ Acoustic Surface +. Chân đế tích hợp các cổng kết nối và loa siêu trầm. TV được Sony trang bị công nghệ Pixel Contrast Booster để tăng cường màu sắc ở độ sáng cao, bộ xử lý X1 Ultimate. Chế độ Netflix Calibrated Mode cho phép tự cân chỉnh màu giống với màu của các nhà sản xuất nội dung. OLED A9F có giá 111 triệu cho bản 65 inch, không đắt hơn nhiều so với QLED Q9FN của Samsung và chỉ bằng một phần ba giá LG OLED W8 cùng kích thước. Dòng TV này của Sony có thêm bản 55 inch, giá 73 triệu đồng. |
Samsung QLED Q9FN Dẫn đầu thị trường nhưng Samsung là công ty hiếm hoi tiếp tục dùng công nghệ QLED cho dòng TV cao cấp. Trên sản phẩm đầu bảng của mình, nhà sản xuất Hàn Quốc sử dụng hệ thống LED Direct Full Array nhằm tăng cường khả năng thể hiện màu đen, loại bỏ hiện tượng hở sáng viền. Giống sản phẩm thế hệ trước, các cổng kết nối trên Q9FN được đưa vào một hộp riêng, nối với TV bằng sợi quang siêu mảnh, giúp thiết bị trông gọn gàng hơn. So với các model OLED, màn hình của Samsung vẫn tương đối dày. Sử dụng công nghệ truyền thống, sản phẩm của Samsung năm nay có giá cạnh tranh so với TV cùng phân khúc của đối thủ. Q9FN bản 65 inch được bán giá gần 100 triệu đồng, trong khi kích thước 75 inch giá khoảng 160 triệu đồng. |
Tác giả: Đình Nam
Nguồn tin: Báo VnExpress