Thế giới

3 kịch bản phán quyết PCA về Biển Đông và tác động tới Việt Nam

Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng Việt Nam có thể là quốc gia có lợi nhất sau vụ kiện ở Biển Đông nếu phán quyết PCA đi theo "kịch bản tốt".

Theo BBC, Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines nêu lên "ba kịch bản" có thể xảy ra với phán quyết PCA được đưa ra vào ngày 12/7 tới đây mà ông nói chi phối tới hơn 85% tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Kịch bản thứ nhất

Thẩm phán Antonio T. Carpio từ Tòa án Tối cao Philippines nói rằng với “kịch bản tốt”, Tòa Án Trọng Tài có thể sẽ phán quyết tuyên bố đường chín đoạn của Trung Quốc là “vô giá trị”, Ba Bình không tạo ra 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Scarborough chỉ có tối đa 12 hải lý lãnh hải và là ngư trường truyền thống của Philippines. Xác nhận hiệu lực pháp lý của các thực thể lúc nổi lúc chìm ở Trường Sa mà Philippines đề nghị.

Thẩm phán Antonio T. Carpio.


Ông Carpio cho rằng trường hợp PCA ra phán quyết này, Palawan sẽ có đầy đủ 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế nhưng không bao gồm lãnh hải 12 hải lý quanh một bộ phận các thực thể ở Trường Sa.

Không gian hàng hải tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc giảm xuống tối đa, từ 531.000 km vuông xuống còn 1.551 km vuông xung quanh các thực thể ở Trường Sa và Scarborough.

Theo ông Carpio các rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển như bãi Vành Khăn, bãi Xu Bi vốn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam "phải thuộc về Philippines".

Tuy nhiên đây là quan điểm dưới góc nhìn của ông Carpio, thực tế PCA không phân định chủ quyền các thực thể thuộc quốc gia nào mà chủ yếu tập trung xác định về mặt pháp lý của các thực thể này. Cùng với đó PCA dựa vào luật quốc tế để phán quyết về hiệu lực của đường chín đoạn phía Trung Quốc đưa ra có giá trị hay không. Bởi vậy khó có phán quyết bãi Vành Khăn, bãi Xu Bi thuộc về Philippines.

Trung Quốc được dự đoán sẽ không tuân thủ phán quyết trừ khi có các nước lớn và các tổ chức lớn buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết và người Trung Quốc nhận ra tuyên bố đường chín đoạn không có cơ sở lịch sử.

“Cần có các chiến dịch ngoại giao ở Liên hiệp Quốc, ASEAN, EU để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết và cấm việc tuyên bố chủ quyền hàng hải với đường chín đoạn,” ông Carpio nói.

Kịch bản thứ hai

Tòa phán quyết đường chín đoạn không có giá trị hoặc vô hiệu trong việc tuyên bố chủ quyền hàng hải và bãi cạn do Philippines chỉ tạo ra một vùng lãnh hải 12 hải lý, không phán quyết gì thêm.

Với điều này trên bãi cạn Scarborough, ngư dân Philippines có thể đánh bắt cá một cách độc quyền, tuy nhiên nước này thực tế sẽ phải chia sẻ khai thác cùng ngư dân Trung Quốc.

Nếu kịch bản này xảy ra, thẩm phán Carpio nói Philippines có thể sẽ tiếp tục một vụ kiện rằng Ba Bình không phải một đảo theo Điều 121 UNCLOS. Nếu phán quyết cho rằng Ba Bình là một đá, không phải một đảo, nó không thể có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Với kịch bản này, Philippines cần có các chiến dịch ngoại giao với UN, ASEAN, EU và thế giới để đòi hỏi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài và cấm việc tuyên bố chủ quyền trong khu vực đường chín đoạn.

Kịch bản tệ nhất

Tòa án không phán quyết về giá trị của "đường chín đoạn", tuyên bố đảo Ba Bình có tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, còn bãi đá Scarborough tạo ra vùng 12 hải lý. Phán quyết không đề cập đến các vấn đề khác.

Nếu phán quyết này xảy ra, Trung Quốc sẽ áp đặt đường chín đoạn là ranh giới chủ quyền và tranh chấp pháp lý về vùng biển trong khu vực "đường 9 đoạn" vẫn tiếp tục.

Cách duy nhất mà các quốc gia khác có thể chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc là trang bị thêm tàu chiến, máy bay chiến đấu, tên lửa. Chạy đua vũ trang trên biển có thể sẽ xảy ra.

Mỹ và các đồng minh sẽ thường xuyên thực hiện các chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và Trung Quốc sẽ chống lại các hoạt động tuần này khiến căng thẳng Biển Đông gia tăng.

Giải pháp

Trong cuộc phỏng vấn tại Manila hôm 24/06, Thẩm phán Carpio đưa ra nhiều giải pháp để gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, bao gồm xin đình chỉ giấy phép của Trung Quốc tại Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế hay đề nghị Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hiệp Quốc đình chỉ hồ sơ của Trung Quốc về thềm lục địa mở rộng.

"Nếu Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) khai thác dầu và khí đốt trong khu vực Bãi Cỏ Rong, Philippines có thể kiện CNOOC ở các quốc gia mà CNOOC có tài sản, như tại Canada và Mỹ," ông Carpio nói.

“Trung Quốc đã cải tạo tất cả các đảo mà họ chiếm, xây dựng các cấu trúc quân sự trên bảy đảo đá chìm và Scarborough có thể không ngoại lệ. Trung Quốc sẽ xây dựng tại Scarborough để khẳng định sự hiện diện của họ ở khu vực đó. Trung Quốc xem vị trí của Scarborough là rất chiến lược, cực kỳ chiến lược.”

Tuy nhiên, ông Carpio cũng thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài sẽ không giải quyết được xung đột trong khu vực quần đảo Trường Sa.

"Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, Việt Nam và một số quốc gia khác cũng có lợi từ việc này bởi đường chín đoạn xâm lấn lợi ích của nhiều nước trong khu vực", ông Carpio chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm nói trên, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia thuộc Học viện Quốc Phòng Australia, nêu quan điểm trên RFI rằng, phán quyết quan trọng nhất trong vụ kiện Biển Đông là việc Tòa Án Trọng Tài sẽ tuyên bố là những thực thể nào thuộc loại nửa chìm nửa nổi, là đá, là đảo.

Những thực thể nửa chìm nửa nổi sẽ không thể có vùng lãnh hải hay không phận. Đá và đảo có lãnh hải 12 hải lý và đảo thì có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Việc xác định này sẽ giúp làm rõ các lãnh hải của từng thực thể và có thể là một bước hướng tới việc giải quyết các đòi hỏi lãnh thổ chồng lấn.

Theo ông Carlyle Thayer, một khi Tòa Án Trọng Tài tuyên bố rằng bản đồ chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, Việt Nam có thể là quốc gia có lợi nhất vì không có tranh chấp đảo trong vụ kiện nhưng phán quyết của Tòa Án Trọng Tài sẽ xóa bỏ những vùng lãnh thổ chồng lấn mà Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam.

Tác giả bài viết: Minh Vũ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP