Cảnh tượng tan hoang sau sóng thần tại Indonesia (Ảnh: AFP) |
"222 người đã thiệt mạng, 843 người khác bị thương và 28 người mất tích", phát ngôn viên cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho cho biết vào tối nay giờ địa phương.
Ông nói thêm rằng các con số trên dự báo còn tăng, vì không phải tất cả các nạn nhân đã được sơ tán thành công, trung tâm y tế chưa báo cáo số nạn nhân và không phải tất cả các nơi đều đã có các số liệu đầy đủ.
Cũng theo lời quan chức trên, các thương vong đều là công dân Indonesia và chưa có công dân nước ngoài nào được báo cáo. Các nạn nhân và những thiệt hại lớn chủ yếu xảy ra tại 4 quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Pandeglang, Serang, South Lampung và Tanggamus trên đảo Sumatra.
Khoảnh khắc sóng thần “cuốn phăng” ban nhạc biểu diễn tại Indonesia
Trước đó, vào khoảng 9h30 tối ngày 22/12, một trận sóng thần cao khoảng 5 mét đã xảy ra tối ngày 22/12 tại Eo biển Sunda giữa hai đảo Sumatra và Java, Indonesia. Núi lửa Anak Krakatau phun trào được cho là nguyên nhân gây ra sóng thần.
Trận sóng thần xảy ra vào ban đêm mà không có bất kỳ cảng báo đã khiến người dân không kịp trở tay. Hàng trăm ngôi nhà đã bị đánh sập trong đêm.
Trận sóng thần đã tấn công vài địa điểm du lịch nổi tiếng, trong đó đó có khu nghỉ dưỡng ven biển Tanjung Lesung ở phía tây đảo Java. Giới chức cho biết hơn 100 người đã thiệt mạng tại Pandeglang - một quận du lịch nổi tiếng trên đảo Java vốn được biết đến với bãi biển đẹp và công viên quốc gia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết trên Twitter rằng ông đã "ra lệnh cho tất cả các cơ quan chính phủ liên quan ngay lập tức có các biện pháp ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm các nạn nhân và hỗ trợ những người bị thương".
Phó Tổng thống Jusuf Kalla phát biểu trong một cuộc họp báo rằng số người chết có thể tăng lên.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: Báo Dân trí