Thế giới

20 phút đấu súng diệt kẻ ám sát đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ tiêu diệt kẻ ám sát sau 20 phút đấu súng, dù có nhiều cơ hội thuận lợi để bắt sống tên này.

Kẻ ám sát (khoanh đỏ) đứng ngay sau lưng đại sứ Karlov trước khi ra tay. Ảnh: Haberturk


Vụ ám sát đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov đã trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua, nhưng thông tin về động cơ giết người của hung thủ vẫn chưa được làm rõ, bởi kẻ ám sát đã bị tiêu diệt ngay sau khi gây án chứ không phải bị bắt sống, theo RBTH.

Vào lúc 19h30 ngày 19/12, đại sứ Karlov tới Trung tâm Nghệ thuật Đương đại ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ để tham dự lễ khai mạc một triển lãm ảnh. Ông vừa đứng lên phát biểu chưa đầy một phút thì kẻ ám sát đứng ngay phía sau ông rút súng, lạnh lùng bắn nhiều phát đạn vào lưng đại sứ.

Đại sứ Karlov bị trúng 9 viên đạn vào người và bị thương nặng, nhưng lực lượng y tế đến hiện trường ngay sau đó không thể tiếp cận được với ông, bởi tay súng Mevlut Mert Altintash vẫn đang khua vũ khí đe dọa mọi người và hô to những khẩu hiệu Hồi giáo. 25 phút sau vụ nổ súng, lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai, và ngay sau đó là cuộc đấu súng kéo dài suốt 20 phút.

Theo Telegraph, lực lượng đặc nhiệm bao vây xung quanh tòa nhà đã nhiều lần kêu gọi Altintas đầu hàng, nhưng anh ta tiếp tục sử dụng khẩu súng Sarsilmaz K2P cỡ nòng 9 mm, loại trang bị tiêu chuẩn của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ, bắn nhiều phát đạn về phía họ.

Altintas quyết không chịu buông vũ khí đầu hàng dù đã bị bắn 4 phát vào bàn chân và đùi. Cuối cùng, một đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ nổ phát súng quyết định, viên đạn găm vào cổ Altintas, khiến anh ta gục xuống chết tại chỗ. Lúc này các bác sĩ mới có thể tiếp cận được với đại sứ Karlov, nhưng tất cả đã muộn, ông đã thiệt mạng tại hiện trường vì vết thương quá nặng.

Theo Boris Dolgov, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Học viện Khoa học Nga, Altintas có thể là một sát thủ hành động đơn độc, nhưng nhiều khả năng anh ta là một phần trong kế hoạch đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, với nhiều kẻ đồng phạm có liên quan. Việc Altintas bị bắn chết tại chỗ đã gây khó khăn rất nhiều cho công tác điều tra thủ phạm.

Altintas bị bắn chết tại hiện trường. Ảnh: Twitter


"Tôi thấy thật lạ là Altintas bị bắn chết. Họ hoàn toàn có thể bắt sống anh ta, sau đó thẩm vấn và buộc anh ta khai ra những kẻ đứng sau lên kế hoạch thực hiện vụ ám sát", Dolgov nói.

Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng nếu Altintas bị bắt sống, cuộc điều tra chung giữa các thanh tra Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn ra thuận lợi hơn rất nhiều, thủ phạm thực sự sẽ nhanh chóng bị lôi ra ánh sáng và bị trừng phạt theo công lý.

Trung tá Andrei Popov, cựu thành viên lực lượng đặc nhiệm Alpha của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB), cho rằng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội rất thuận lợi để bắt sống Altintas, nhưng đáng tiếc là họ đã không làm được như vậy.

"Khi đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đến nơi, kẻ ám sát đại sứ đã tự bộc lộ mình là thủ phạm và không hề có ý định che giấu tội ác. Qua video tôi xem được, có thể thấy sát thủ không hề ngăn cản mọi người ra khỏi tòa nhà và cũng không có ý định bắt con tin. Khi đối tượng không giữ con tin, việc khống chế và bắt sống là rất dễ dàng", Popov nói.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ triển khai lực lượng bao vây hiện trường


Trung tá này cho rằng các lực lượng đặc nhiệm thường được huấn luyện rất bài bản cho tình huống này. "Trong trường hợp đó, các hành động bắt sống đối tượng sẽ được triển khai. Đối tượng sẽ bị bắn ngay vào vai phải, khiến hắn không còn khả năng bắn trả hay tự sát. Đặc nhiệm sau đó chỉ việc tiếp cận và khống chế", Popov khẳng định.

Popov cho rằng cơ hội này đã không được tận dụng có thể vì giữa các đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã có những bất đồng về phương án tấn công, hoặc họ chưa được huấn luyện một cách chuyên nghiệp.

Ông cũng không loại trừ khả năng Altintas có đồng phạm trong lực lượng đặc nhiệm, kẻ đã "quyết định bắn chết anh ta để bịt miệng". Altintas là một thành viên đơn vị cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Ankara, công tác trong lực lượng được hai năm rưỡi.

Cảnh sát đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ bao vây hiện trường. Ảnh: Reuters


Sau vụ ám sát, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng phong trào khủng bố FETO của giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen là thủ phạm gây ra tội ác. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dimitri Peskov hôm qua tuyên bố Ankara không nên vội vàng quy kết thủ phạm vụ ám sát khi cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Nga đã lập một đội điều tra 18 thành viên từ Ủy ban Điều tra Quốc gia và Bộ Ngoại giao tới Ankara để phối hợp với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tìm hiểu vụ việc. Nhóm điều tra chưa đưa ra bình luận nào sau khi tổ chức Jabhat Fatah al-Sham (tên mới của nhóm Mặt trận Al-Nusra) ở Syria đứng ra nhận trách nhiệm về vụ ám sát.

Tác giả bài viết: Trí Dũng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP