Một hình ảnh về sán máng cái và đực |
Live Science ngày 5.3 cho biết tất cả 17 sinh viên này đã tình nguyện làm cho bản thân bị nhiễm loài sán này qua da.
Họ đang tham gia một nghiên cứu về một loại vắc xin có thể giúp phòng ngừa nhiễm loài sán này.
Nghiên cứu đang thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y dược Leiden (Hà Lan), theo Times đăng ngày 1.3.
Trong nghiên cứu, 20 ấu trùng của loại sán này được đưa vào cơ thể của 17 sinh viên này. Đổi lại, mỗi người trong số họ được trả 1.200 USD.
Bởi vì tất cả ấu trùng đều là ấu trùng đực nên chúng không thể sinh nở bên trong cơ thể của các sinh viên này để đảm bảo số lượng ấu trùng sán máng không thể tăng trong cơ thể họ.
Sau khi được theo dõi kỹ trong tám tuần, các bác sĩ sẽ cho những sinh viên này uống thuốc diệt ký sinh trùng.
Theo Times, cuộc thử nghiệm hiện tại không phải là kiểm tra hiệu quả của một vắc xin mà thay vào đó, các nhà nghiên cứu muốn biết xem liệu cho những sinh viên tình nguyện bị nhiễm như thế này có phải là cách để kiểm tra các vắc xin sẽ được sản xuất trong tương lai không.
Thông thường, vắc xin thường được thử nghiệm ở những nước mà có nhiều ca bệnh nhiễm sán máng này và thuốc sẽ được cung cấp cho những người đã bị nhiễm rồi.
Theo Viện sốt Rét, Ký sinh trùng, Côn trùng TP.HCM, sán máng ký sinh ở các nhánh mạc treo của hệ tĩnh mạch gánh, lách, bàng quang. Khi người bơi lội hoặc tắm trong nước có ấu trùng sán máng, trùng đuôi sẽ xâm nhập vào người qua da. Sau khi chui qua da, trùng đuôi xâm nhập vào các mao mạch bạch huyết rồi theo tuần hoàn ruột rồi cư trú ở hệ tĩnh mạch cửa; sau khoảng 60 ngày trùng đuôi sẽ trở thành sán trưởng thành. Những bệnh nhân nhiễm nhiều có tính chất nhiễm độc: nhức đầu, đau các chi, rét run, ban đêm đổ mồ hôi, bạch cầu ái toan tăng, có thể tăng 20-60%.
Tác giả: Đỗ Nhi
Nguồn tin: Báo Thanh niên