Xã hội

13 người chết và mất tích do mưa lũ

Những ngày qua trên địa bàn Thanh Hóa xảy ra mưa to, thủy điện Trung Sơn xả lũ đã khiến nước sông Mã, sông Bưởi dâng cao. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân. Đặc biệt, tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 13 người chết, mất tích do lũ.

Cảnh sát PCCC dầm mình tìm kiếm nạn nhân chết đuối trong lũ.

Chiều 1/9, thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh này đã có 13 người chết, mất tích trong cơn lũ.

Trong đó, tại huyện Mường Lát có 8 người chết và mất tích, còn huyện Cẩm Thủy có 5 người chết và mất tích. Hiện nay, lực lượng chức năng mới tìm kiếm được 8 người, còn lại 5 người vẫn đang mất tích.

Cảnh sát PCCC vớt người bị đuối nước trong lũ ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.

Hiện nay, UBND huyện Mường Lát đã phối hợp với Đồn Biên phòng Trung Lý huy động lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm người bị mất tích. UBND huyện Cẩm Thủy đã phối hợp với các lực lượng Huyện đội, Công an, Dân quân tự vệ, Đội Cảnh sát PCCC số 6 tổ chức tìm kiếm người bị mất tích.

Quốc lộ 217 qua huyện Quan Sơn, Thanh Hóa bị sụt lún nghiêm trọng.

Cũng theo thống kê từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 1/9, đã có hàng trăm nhà dân bị thiệt hại hoàn toàn; gần 5.000 nhà bị ngập trong nước lũ… Hạ tầng giáo dục tiếp tục bị thiệt hại, nhiều trường và điểm trường bị sạt lở, vùi lấp; hơn 2.500 ha lúa, rau màu và các cây trồng hàng năm như mía, sắn, ngô… bị thiệt hại. Đã có 11 con gia súc, 11.300 con gia cầm bị chết và cuốn trôi. Có 3 cầu treo bị cuốn trôi, đổ sập nhiều tuyến đường bị hư hại, gây chia cắt giao thông.

Chính quyền huyện Quan Sơn cảnh báo cho người dân lưu thông qua đoạn Quốc lộ 217 bị sạt lở.

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản các huyện miền núi đã chủ động sơ tán hơn 5.000 hộ dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.

Huyện Quan Hoá đã phải sơ tán 386 hộ dân, huyện Quan Sơn 18 hộ dân, huyện Mường Lát 106 hộ, huyện Bá Thước 691 hộ, huyện Cẩm Thuỷ 3.825 hộ dân; các huyện, thành phố có đê (sông Mã, sông Bưởi và sông Lèn) đã chủ động sơ tán 7.288 hộ dân sinh sống ở khu vực bãi sông đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Yên Định sơ tán 1.971 hộ dân, huyện Vĩnh Lộc sơ tán 2.258 hộ, huyện Thạch Thành sơ tán 1.574 hộ, huyện Hậu Lộc sơ tán 253 hộ, huyện Hoằng Hoá 220 hộ, thành phố Thanh Hoá 827 hộ…

Mặt đường nhựa ở huyện Quan Sơn bị nứt toác.

Trong khi đó, hệ thống Quốc lộ 217 chạy qua địa bàn huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Vũ Văn Đạt- Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: Mưa lũ đã khiến Quốc lộ 217 bị sạt lở và hư hại nghiêm trọng tại các điểm chính; Km 23 đoạn qua bản Lốc, xã Trung Tiến, Km 37 đoạn qua bản Băng, xã Sơn Lư, Km 65-67 và tai Km 36…Khối lượng đật, đá bị sạt lở từ trên núi xuống đường ước khoảng 1.000 m3.

Cầu treo Phú Xuân, huyện Quan Hóa bị dòng lũ kéo sập.

Bên cạnh đó, Quốc lộ 16 cũng bị sạt lở nghiêm trọng tại các điểm bản Bơn, xã Mường Mìn đi xã Sơn Thủy sạt 100 m3, đoạn qua xã Sơn Thủy đi Na Mèo sạt 300m3 và tại bản Chanh - Sơn Thủy sạt 30.000m3. “Do tuyến Quốc lộ 217 bị hư hỏng và sụt lún, nên huyện đã phải mở đường tránh để người dân đi lên xã Na Mèo. Huyện cũng đã phải sơ tán hàng trăm người dân đến nơi ở an toàn do bị lở đất. Hiện nay, huyện cũng chưa thể thống kê được thiệt hại do đợt mưa lũ vừa gây ra”- ông Đạt cho hay.

Tác giả: Thái Dương

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP