Kinh tế

12 dự án yếu kém gánh thêm 3.440 tỷ đồng tiền nợ sau một năm

Mới chỉ có 2/12 dự án yếu kém ngành công thương cắt được lỗ. Số còn lại vẫn đang chật vật để khắc phục. Số lố lũy kế đến hết năm 2017 đã lên đến gần 18.700 tỷ đồng.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo mới nhất về tình hình hoạt động của 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương. Đến nay mới chỉ có 2/12 dự án làm ăn có lãi, cắt giảm được lỗ lũy kế. Một số dự án lĩnh vực hóa chất đã giảm được lỗ trong khi các dự án của dầu khí và giấy vẫn trong tình trạng tê liệt, chưa thể xác định được khả năng phục hồi.

Chỉ có 2/12 dự án “tự sống” được

Theo báo cáo, sau một năm, tổng nợ phải trả của 12 dự án đã tăng 3.441 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016. Tổng số lỗ luỹ kế của 10 dự án đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất là 18.679 tỷ đồng, tăng 2.553 tỷ đồng so với năm 2016.

Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: Hiếu Công.

12 dự án yếu kém ngành công thương:

- Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình

- Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc

- Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng

- Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai

- Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi

- Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ

- Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước

- Nhà máy thép Việt Trung

- Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên

- Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex)

- Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất thuộc Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)

- Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam

Hiện đã có 6 nhà máy được vận hành sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên chỉ có 2 dự án đã có lãi và cắt giảm được lỗ lũy kế. Đó là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Tổ hợp khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (VTM).

Ngoài ra, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đến hết quý I/2018 đã có lợi nhuận ước đạt 14,3 tỷ đồng và nộp ngân sách 45,89 tỷ đồng. Các dự án khác dù đã đưa vào hoạt động trở lại, vẫn hết sức khó khăn, một số dự án gần như đắp chiếu.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang là chủ đầu tư 4 dự án. Điểm sáng nhất vẫn là nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng. Với 3 dự án còn lại, việc sản xuất đã được khôi phục trở lại nhưng tình hình còn nhiều khó khăn. Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình đã sản xuất trở lại, tiêu thụ sản phẩm khá tốt, không có tồn kho nhưng năm 2017 đơn vị cũng chỉ đủ sức giảm lỗ so với năm 2016 được gần 200 tỷ đồng.

Đối với 3 dự án thua lỗ nghìn tỷ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, chỉ có Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ mới khởi động lại được một phân xưởng sản xuất. Hai dự án khác là Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước đến nay vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” và đang tiếp tục giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi dự kiến khởi động, vận hành lại nhà máy trong quí II/2018.

Đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty gang thép Thái Nguyên (TISCO) thuộc sự quản lý của Tổng công ty Thép Việt Nam. Trong năm 2017, dự án vẫn đang xây dựng dở dang và bị tạm dừng thi công để giải quyết các vướng mắc. Phần còn lại của giai đoạn 1 vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Tính chung cả TISCO, đã đạt sản lượng théo cán là trên 700.000 tấn, phôi thép đạt trên 400.000 tấn. Từ đó có lợi nhuận trước thuế khoảng trên 100 tỷ đồng.

Muốn bán đấu giá dự án nhưng vướng cơ chế

Bộ Công Thương cũng cho biết 3 dự án đang xây dựng dở dang (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy bột giấy Phương Nam và Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên) vẫn trong cảnh tê liệt hoàn toàn do không có vốn để triển khai tiếp.

Bộ Công Thương xúc tiến bán đầu giá lại nhà máy bột giấy Phương Nam nhưng gặp khó khăn về thủ tục. Cơ quan này cho biết việc định giá bán nhà máy hiện nay là quá cao, lại vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giá khởi điểm. Bộ này vẫn tiếp tục trình Thủ tướng để xin cơ chế xử lý bán đấu giá dự án.

Còn với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung (BSR-BF) và các cổ đông đã hoàn thành đàm phán cấp cao với đối tác là Công ty cổ phần đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap). Hai bên đang hoàn thiện hợp đồng hợp tác kinh doanh để khởi động, vận hành lại nhà máy trong quý II tới.

Với dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Bộ Công Thương cho biết Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) đang thực hiện các công việc chuẩn bị cho việc khởi động lại nhà máy.

Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) cũng đã dự thảo sơ bộ chứng thư thẩm định giá và phương án thoái vốn và dự kiến triển khai thực hiện sau khi nhà máy vận hành lại ổn định một thời gian và giá trị doanh nghiệp tăng lên.

Bộ Công Thương cho biết tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là hơn 43.600 tỷ đồng. Sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%).

Vốn chủ sở hữu của 12 dự án là 14.350,04 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Trong tổng số vốn vay, vay các ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỷ đồng. Trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới ngày 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng.

Tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.

Tác giả: Hiếu Công

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP