Kinh tế

11 triệu người ăn lương: Ngân sách nào kham nổi?

Không phải bây giờ, gánh nặng ngân sách chi cho bộ máy hành chính ở Việt Nam mới được nhắc đến. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo: Không một ngân sách nào có thể kham được một bộ máy hành chính lớn như Việt Nam.

Chi thường xuyên tăng chóng mặt

Trả lời phỏng vấn mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thẳng thắn chỉ ra gánh nặng khổng lồ mà ngân sách phải cáng đáng để chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Bà Lan nói: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.

20160611162628 luong toi thieu chung 7ab32
Ngân sách, chi thường xuyên, bộ máy hành chính, nợ công, công chức viên chức, bà Phạm Chi Lan, VEPR

Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương từ ngân sách thì con số này lên tới 11 triệu người.

Hồi cuối năm 2015, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đã hoàn thành một nghiên cứu tập trung vào vấn đề chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam.

“Tổ chức quần chúng công” VEPR đề cập bao gồm Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, và Hội Cựu chiến binh, cùng 28 hội đặc thù khác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi phí cho hệ thống các tổ chức này hàng năm dao động từ 45,6 nghìn tỷ đồng đến 68,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi ngân sách nhà nước ước vào khoảng 14 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên của VEPR cho biết, ở một địa phương, chi thường xuyên của các tổ chức quần chúng công lên đến 90% tổng chi, chỉ 10% là chi cho các hoạt động thực tế.

Chia sẻ về điều này, ông Vũ Thành Tự Anh - Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đã chỉ ra một trong những lý do khiến ngân sách “hụt hơi” là do chi thường xuyên tăng với tốc độ chóng mặt, trung bình lên tới 19,6% trong giai đoạn 2003-2015. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách (không kể chi trả lãi nợ vay) đã tăng từ 57,4% vào năm 2003 lên đến 80% theo ước tính lần đầu của ngân sách 2015

“Tất cả đều cho thấy chi thường xuyên đang tăng rất nhanh trong 5 năm trở lại đây. Đó là lý do chính khiến cho ngân sách hụt hơi và làm cho tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Chính phủ ngày càng trở nên trầm trọng”, ông Vũ Thành Tự Anh nhận định.

Phải giảm chi quyết liệt

Nhiều năm nghiên cứu về ngân sách, nợ công, PGS.TS Phạm Thế Anh - Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, cần phải nhận thức rõ ràng thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây là do chúng ta chi tiêu quá nhiều chứ không phải do hụt thu.

Đặc biệt, trong vài năm gần đây, chi thường xuyên mỗi năm đã gấp khoảng 4 lần chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Điều này cho thấy các nỗ lực cắt giảm chi tiêu công chủ yếu nhằm vào cắt giảm chi đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên – nhân tố được coi là có ít đóng góp hơn cho tăng trưởng kinh tế dài hạn – lại chưa được chú trọng.

20160611162628 thueba dinh

Thực tế, ngân sách quốc gia đang rơi vào tình cảnh khó khăn . Đến nỗi Bộ trưởng Bộ Tài chính từng phải thốt lên: “Mấy năm nay, điều hành ngân sách như kiểu đi trên dây. Năm 2016 tiếp tục đi trên dây. Cứ tình hình này kéo sang năm 2017, dây mà đứt thì chúng ta chết”.

Tuy nhiên, các biện pháp Chính phủ đang thực hiện mới chỉ tập trung tìm kiếm các nguồn thu tạm thời và chưa tập trung nhiều vào các khoản chi tiêu lãng phí ở địa phương.

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, khi chi tiêu công chưa được cắt giảm một cách bền vững thì dù có tăng được nguồn thu trong nước thế nào, bán được bao nhiêu DNNN, và phát hành thành công trái phiếu quốc tế ra sao cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

“Không sớm thì muộn, ngân sách nhà nước sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng thâm thủng như trước. Do vậy, chỉ có cải cách tài khóa, đặc biệt là chi tiêu công, mới mong duy trì được an toàn nợ công trong tương lai”, chuyên gia này đánh giá.

Ông Vũ Thành Tự Anh cũng chung quan điểm phải nhanh chóng thiết lập được kỷ luật ngân sách và cải thiện hiệu quả chi tiêu. “Nếu không chấm dứt tình trạng này, khó khăn của nền tài khóa quốc gia là điều không thể tránh khỏi”, chuyên gia Fulbright cảnh báo.

Thế nhưng, cắt giảm chi tiêu công, bất kể là chi đầu tư hay thường xuyên là việc làm rất khó khăn bởi thường gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nhóm liên quan. Song, đây là một việc không thể né tránh nếu muốn duy trì an toàn tài khóa trong tương lai.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, không một ngân sách nào có thể kham được một bộ máy hành chính lớn như Việt Nam.

Thực tế, đã có địa phương như Quảng Ninh đi tiên phong trong việc cắt giảm chi thường xuyên. Cụ thể, Quảng Ninh đã sớm tiến hành nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc UBND cấp xã. Quảng Ninh còn mở rộng nhất thể hoá các chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đối với huyện Cô Tô và Tiên Yên; Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện ở 9 địa phương. Ngoài ra, Quảng Ninh còn kiến nghị Bộ Chính trị cho Quảng Ninh hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tuyên giáo với Sở TT&TT, Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND-UBND.

Nhờ đó, năm 2015, Quảng Ninh đã tiết kiệm 268 tỷ đồng/năm từ lương và phụ cấp không phải chi nữa, ngoài ra còn tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng từ cơ sở vật chất.

Tác giả bài viết: Hà Duy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP