Thế giới

1.000 ngày chiến đấu với ung thư của ông bố Indonesia

Muhamad Ihsan có khối u 3 kg ở đỉnh thận trái, phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật, 2 đợt hóa trị và nhiều vòng liệu pháp miễn dịch mới kiểm soát được bệnh.

Người đàn ông Indonesia khoảng 40 tuổi, nước da ngăm đen luôn lạc quan khi kể về hành trình 1.000 ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư hiếm gặp. Từ cuối năm 2012, Muhamad Ihsan bắt đầu thấy cơ thể có những dấu hiệu lạ, điển hình là cảm giác đau ở vùng bụng gần thận trái. Người đàn ông không dám nói với bất kỳ ai, kể cả vợ, đồng thời cũng không đến gặp bác sĩ vì sợ bị mổ hay uống thuốc. Khi buồn nôn, ho liên tục và sụt cân, ông bố một con vẫn quyết giữ bí mật sức khỏe của mình.

Vợ chồng Ihsan và con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp.


Tháng 2/2013, Ihsan bị ngất tại nhà riêng ở Jakarta. “Đột nhiên tôi ngã xuống và mất ý thức một lúc. Khi tỉnh dậy, tôi vẫn tự nhủ rằng mình ổn vì không muốn đến bệnh viện. Sau đó tôi lại ngất và tôi đầu hàng”, người đàn ông nhớ lại. Tại bệnh viện, các bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh phát hiện khối u 3 kg ở đỉnh thận trái bệnh nhân, kết quả sinh thiết khẳng định là ung thư.

Tháng 4/2013 người đàn ông được phẫu thuật và hóa trị để loại bỏ khối u. Tuy nhiên khi bác sĩ tư vấn điều trị thêm liệu pháp miễn dịch, Ihsan từ chối vì cho rằng không cần thiết.

Khoảng một năm rưỡi sau, vào tháng 10/2014, Ihsan lại ngất. Khối u xuất hiện trở lại ở vùng sau ổ bụng. Vào tháng 2/2015, các bác sĩ phẫu thuật ở Indonesia thực hiện phẫu thuật lần thứ hai để loại bỏ khối u nhưng tiên lượng không mấy khả quan. Chán nản, vợ chồng Ihsan đến một bệnh viện chuyên điều trị ung thư ở Singapre với hy vọng ''còn nước còn tát''.

Sau khi nghe bác sĩ Singapore tư vấn, Ihsan đồng ý điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Bác sĩ Zee Ying Kiat giải thích liệu pháp miễn dịch là phương pháp mới. Theo đó, bác sĩ tiêm kháng thể vào cơ thể người bệnh để thúc đẩy hệ miễn dịch tự chống lại tế bào ung thư. Sau vài vòng trị liệu, các khối u ở đỉnh thận đã teo hơn một nửa và hoạt động trao đổi chất thấp, điều này có nghĩa là chúng đang được kiểm soát tốt. Hiện sức khỏe Ihsan đã ổn định và có dấu hiệu khỏi bệnh.

Ihsan bị ung thư biểu mô vỏ thượng thận, tức là các tế bào ung thư mọc lên từ lớp vỏ bên ngoài của tuyến thượng thận. Theo bác sĩ, đây là bệnh hiếm gặp, với tỷ lệ từ 0,5 đến 2 trường hợp trên một triệu dân mỗi năm. Trong suốt vài chục năm làm việc ở trung tâm chuyên về ung thư, bác sĩ Zee chỉ gặp vài ca tương tự.

Ihsan và con trai Athar. Ảnh: Nhân vật cung cấp.


Bác sĩ Zee cho rằng Ihsan là một người may mắn, gần như là trường hợp đầu tiên bị ung thư biểu mô vỏ thượng thận mà đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch. Bác sĩ hy vọng từ sau thành công của trường hợp này sẽ thúc đẩy thêm các nghiên cứu mới để mở rộng chỉ định áp dụng liệu pháp này cho nhiều bệnh nhân mắc các loại ung thư hiếm khác.

Bà Nikmat Hotmaini, vợ của Ihsan, nhớ lại lần đầu tiên nhận kết quả chẩn đoán chồng bị khối u ác tính, bà suy sụp hoàn toàn. ''Tôi chỉ mong đó là cơn ác mộng và sẽ mau qua, nhưng trớ trêu lại đúng là sự thật. Tôi đứng ngồi không yên khi chờ đợi chồng trải qua các giai đoạn điều trị. Giờ đây cả gia đình tôi rất vui khi thấy những kết quả tích cực''.

Được bác sĩ thông báo sắp khỏi bệnh, Ihsan cười tươi phấn khởi. Người đàn ông hồi tưởng: ''Thời gian đầu tôi cảm thấy rất suy sụp khi bác sĩ nói mình bị khối u rất hiếm gặp. Tôi tự nhủ làm sao vượt qua được đây? Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy có hy vọng”. Hiện nay Ihsan tuân thủ lịch tái khám 3 tuần một lần tại bệnh viện.

Ihsan và bác sĩ Zee Ying Kiat (ảnh trái). Ihsan thích thú thưởng thức món cua sốt cay.


Chia sẻ về hành trình 3 năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, Ihsan nói rằng sẽ tiếp tục chiến đấu mỗi ngày để vượt qua ung thư. Từ khi bắt đầu liệu trình điều trị, người đàn ông buộc phải từ bỏ các đồ ăn yêu thích như khoai tây và chuối sau khi cắt bỏ thận vì những thực phảm này rất giàu kali. Ihsan cũng tích cực luyện tập để hệ miễn dịch khỏe mạnh chống chọi với ung thư, mỗi ngày dành thời gian đi bộ và bơi.

Ihsan nói rằng bệnh tật cũng có mặt tích cực của nó nếu người trong cuộc biết nhìn nhận: “Trước đây, hai vợ chồng tôi luôn làm việc đến tối muộn và không có thời gian ở cùng nhau hoặc đi du lịch nước ngoài vào kỳ nghỉ. Nhưng giờ, chúng tôi dành tất cả thời gian cùng nhau và đi du lịch rất nhiều”. Mỗi lần sang Singapore để chữa bệnh, cặp vợ chồng đều mang con theo và tranh thủ đi nghỉ mát, ngắm cảnh và thưởng thức món cua sốt cay, một trong những món Ihsan thích ăn mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tác giả bài viết: Trần Ngoan

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP