Theo đó, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, ngành Y tế tại vùng ĐBSCL thảo luận, đưa ra giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Báo cáo từ Sở Y tế TP. Cần Thơ, qua hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06 ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa IX về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở tại Cần Thơ ngày càng được củng cố, với 100% Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Sở Y tế TP. Cần Thơ đã triển khai các kế hoạch liên quan tới mô hình bác sĩ gia đình, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đào tạo…
Hệ thống y tế cơ sở tại Cần Thơ ngày càng được củng cố, với 100% Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. |
Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ, Sở đã xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người dân Cần Thơ từ năm 2024-2030, tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng, đang trình Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng được quan tâm khi nhân viên y tế tại các trạm y tế đều được cử đến Trường Đại học Y dược học các khóa về y tế cơ sở.
Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ tại Hội nghị Y tế cơ sở lần thứ nhất năm 2024 |
Ông Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, việc triển khai hệ thống y tế cơ sở ngoài thuận lợi thì cũng gặp không ít khó khăn, như: nhiều bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế quận/huyện, Trạm Y tế xã/phường/thị trấn đã xuống cấp; một số nơi thiếu trang thiết bị y tế chuyên dùng, cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin chỉ ở mức cơ bản, kinh phí triển khai chuyển đổi số còn hạn hẹp.
"Đối với các Trạm Y tế hiện nay kinh phí để thực hiện việc tầm soát các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, ung thư thì vẫn chưa có cơ chế tài chính đặc thù để y tế cơ sở phát triển. Do đó, kiến nghị sớm có hướng dẫn quy định về kinh phí phục vụ cho công tác tầm soát này để phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm đang mới nổi trong cộng đồng. Bởi vì những căn bệnh đó cần kinh phí khá là nhiều"- ông Cường kiến nghị.
Ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế. |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cần Thơ tăng cường kiểm tra, giám sát chính quyền, cơ quan chuyên môn trong thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động và tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế cơ sở, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai thực hiện thống nhất mô hình tổ chức, quản lý đối với trung tâm y tế cấp huyện do UBND cấp huyện quản lý toàn diện trước ngày 01/7/2025.
Về vấn đề kinh phí, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin: "Chúng ta phải đầu tư cho y tế cơ sở bằng cách gì, đó là đặt hàng và giao nhiệm vụ. Để có cơ sở đặt hàng và nhiệm vụ, Bộ Y tế phải làm và Bộ Y tế đang ban hành 2 Thông tư rất quan trọng. Thông tư thứ nhất là định mức kinh tế kỹ thuật của khối trưởng phòng. Thông tư thứ hai là định mức của gói dịch vụ y tế cơ bản ở y tế cơ sở. Sau này thì cấp Nhà nước đặt hàng với Trạm Y tế cứ thế mà triển khai. Đây là một vấn đề mới trong Chỉ thị và Bộ Y tế đang triển khai thực hiện. Ngoài ra, đối với lĩnh vực điều trị thì Bộ Y tế đã ban hành danh mục về định mức kinh tế kỹ thuật, hiện khoảng 19.000 danh mục. Nhưng chỉ thực hiện đến 31/12/2026, từ ngày 1/1/2027 thì rút lại danh mục chỉ khoảng 8 ngàn để mọi người dễ thực hiện".
Ngành y tế TP. Cần Thơ đã khai trương 3 phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm Y tế |
Trước Hội nghị, ngành y tế TP. Cần Thơ đã khai trương 3 phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm Y tế phường Thường Thạnh (quận Cái Răng), Trạm Y tế phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) và Trạm Y tế xã Thạnh Tiến (huyện Vĩnh Thạnh). Đây là mô hình sẽ nhân rộng trong hệ thống y tế cơ sở tại địa phương thời gian tới. Do vậy, Sở Y tế TP. Cần Thơ cùng lãnh đạo ngành y tế vùng ĐBSCL kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách ưu tiên phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Việt Nam. Có thể thay đổi chương trình đào tạo bác sĩ gia đình là một chuyên khoa thực sự, chất lượng cao.
Tác giả: Hồng Phương
Nguồn tin: Báo VOV