Ngoài ra, bão số 3 còn làm sập, hư hỏng, ngập 80 ngôi nhà ở Hà Nội, Quảng Ninh, Điện Biên, Sơn La. Hà Nội bị gió giật đổ, gãy 135 cây xanh; 11 ôtô, xe máy… Cũng do ảnh hưởng của bão số 3, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), Mường Lát (Thanh Hóa) bị lũ, sạt lở đất cố lập hoàn toàn.
Sáng 20/8, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, ảnh hưởng của bão số 3, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn. Tổng lượng mưa cả đợt 100-200 mm.
Một số nơi lớn hơn như: trạm Km 46 (Sơn La), Cao Phong (Hòa Bình), Kim Bôi (Hòa Bình) 210 mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 260 mm, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 315 mm. Ngày và đêm 20/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa diện rộng, riêng khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to (30-50 mm) có nơi trên 70 mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ. Đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An.
Bão số 3 có gió giật mạng làm cây đổ, đè nát ôtô ở Hà Nội: Ảnh: Nam Nguyễn
Lũ sông Thao (Yên Bái) , sông Lục Nam, sông Thương (Bắc Giang), sông Mã và sông Bưởi (Thanh Hóa) đang lên nhanh. Lúc 1h ngày 20/8, mực nước trên sông Mã tại Hồi Xuân: 59,96 m (trên báo động (BĐ) 1: 0,96m), tại Cẩm Thủy: 18,3m (trên BĐ 1: 0,8m), tại Lý Nhân: 8,41m (dưới BĐ 1: 1,09m); sông Bưởi tại Kim Tân: 9,46m (dưới BĐ 1: 0,54m).
Lúc 3h, mực nước trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức 4,32m (trên BĐ 1: 0,02m). Lúc 4h, mực nước trên sông Lục Nam tại Lục Nam ở mức 5,28m (dưới mức BĐ 2: 0,02m); trên sông Thao tại Yên Bái ở mức 31,44m (trên BĐ 2: 0,44m). Hiện, mực nước các sông đang lên cao sẽ đạt đỉnh vào chiều tối 20/8. Sau đó, mực nước sẽ rút xuống.
Chiều tối 19/8, Thủ tướng có công điện chỉ đạo bộ, ngành, các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Thanh Hóa, Nghệ An chủ động ứng phó với mưa, lũ sau cơn bão số 3. Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan đảm bảo thông tin kịp thời đến người dân về tình hình mưa, lũ để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
Dừng tất cả các cuộc họp không thực sự cấp bách, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện ngay việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Đặc biệt, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, khu vực ven sông, suối có nguy cơ ngập úng với phương châm triển khai quyết liệt, ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng người dân.
Tác giả bài viết: Thắng Quang
Nguồn tin: