Trong nước

'Vũ khí' nào khiến Hà Văn Thắm có thể 'sai khiến' người khác?

Thắm đã dùng "vũ khí" của mình để buộc bà Hứa Thị Phấn, đại diện nhóm cổ đông tại ngân hàng Đại Tín phải chuyển nhượng cổ phần.

Ông Hà Văn Thắm từng ‘bỏ túi’ hàng trăm tỷ đồng của ông Danh như thế nào?
Hà Văn Thắm khiến tập đoàn dầu khí mất trắng... 800 tỷ đồng
Các 'con rối' trong tay Hà Văn Thắm là ai?
Đại gia Hà Văn Thắm cùng 16 đồng phạm bị đề nghị truy tố

Theo kết luận điều tra, đầu năm 2012, NHNN có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các Ngân hàng TMCP yếu kém. Do muốn thâu tóm một số Ngân hàng TMCP về OceanBank nên Hà Văn Thắm đến gặp bà Hứa Thị Phấn, cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông ngân hàng TMCP Đại Tín để đặt vấn đề chuyển giao lại ngân hàng Đại Tín cho Thắm.

Thắm gây sức ép bằng việc đưa ra những sai phạm trong quá trình quản trị, điều hành của HĐQT và việc vay vốn của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín... để yêu cầu bà này phải chuyển nhượng cổ phần ngân hàng Đại Tín.


Hà Văn Thắm

Ngày 23/2/2012, bà Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ, thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, đại diện cho nhóm cổ đông của bà Phấn ký Hợp đồng kinh tế với Thắm để bán hơn 254 cổ phần, (tương đương hơn 84% vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín) với tổng giá trị theo hợp đồng là hơn 4.000 tỷ đồng.

Kèm theo đó là việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản đảm bảo từ các khoản vay khoảng hơn 3,5 ngàn tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại ngân hàng TMCP Đại Tín.

Sau khi ký hợp đồng, Thắm cho người vào quản lý Ngân hàng Đại Tín để chuẩn bị các thủ tục sáp nhập vào OceanBank, nhưng không thực hiện việc thanh toán số tiền hơn 4.000 tỷ đồng cho bà Phấn, cũng như xử lý cơ cấu lại số cổ phần, chuyển nhượng lại cho người khác.

Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản ngân hàng Đại Tín, Thắm mới nhận ra rằng, hóa ra thương vụ mua bán ngân hàng này không "bở" như ông ta vẫn tưởng. Thắm phát hiện một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi, cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng này nên nảy sinh ý định chuyển nhượng lại ngân hàng Đại Tín.

Phạm Công Danh và "miếng mồi thiu"

Và người mà Thắm nhắm đến là ông Phạm Công Danh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Tập đoàn Thiên Thanh. Thắm biết đến ông Danh qua sự giới thiệu của Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank.

Khi Thắm gặp Danh để đặt vấn đề nhượng lại Đại Tín, không ngờ ông Danh đã gật đầu đồng ý mua lại ngân hàng này từ Thắm.

Hai bên thống nhất nội dung- hoàn tất thủ tục chuyển nhượng ngân hàng Đại Tín, Danh vào tiếp nhận, điều hành, đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng và trả cho Thắm 800 tỷ đồng tiền môi giới.

Thỏa thuận xong với Danh, Thắm đến gặp bà Phấn và giới thiệu Danh sẽ tiếp nhận Ngân hàng Đại Tín thay cho Thắm. Biết bà Phấn sẽ không đồng ý, một lần nữa Thắm lại dùng sức ép buộc bà Phấn phải ký hợp đồng vào ngày 9/10/2012, chuyển nhượng hơn 252 cổ phần ngân hàng Đại Tín cho Danh.

Sau khi tiếp quản Ngân hàng Đại Tín, Phạm Công Danh đã làm thủ tục đổi tên thành ngân hàng Xây Dựng, nhưng Danh không thanh toán số tiền hơn 4.000 tỷ đồng như Hợp đồng đã ký với bà Phấn và cũng chưa trả cho Thắm 800 tỷ đồng theo thỏa thuận.


Phạm Công Danh

Vì bản chất số tiền thanh toán theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho bà Phấn là tất toán các khoản vay của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín. Nếu Phạm Công Danh không thực hiện sẽ không thanh khoản được các khoản vay có dư nợ lớn, dư nợ xấu của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín, dẫn đến việc NHNN sẽ tiếp tục tái cơ cấu và sáp nhập ngân hàng Đại Tín vào ngân hàng khác.

Và như vậy, cuộc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín giữa Phấn- Thắm- Danh sẽ không thực hiện được và mọi thỏa thuận sẽ không thành công.

Thế nên, giữa tháng 11/2012, Thắm, Danh và bà Phấn bàn bạc thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Số tiền này Danh sẽ chuyển lại để tất toán cho 5 hợp đồng vay của nhóm bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín, đồng thời được ghi nhận vào việc Danh trả tiền mua cổ phần ngân hàng Đại Tín của nhóm bà Phấn.

Số tiền 500 tỷ đồng OceanBank cho Danh vay được Thắm và Danh thống nhất sử dụng pháp nhân là Công ty Trung Dung đứng ra vay.

Hà Văn Thắm khai nhận, với cương vị Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng của OceanBank, đã đồng ý và ký quyết định cho vay đối với Công ty Trung Dung mà bản chất là cho Danh vay 500 tỷ đồng với các tài sản đảm bảo không đủ điều kiện, đến nay OceanBank không thu hồi được.

Ngày 9/9, sau gần hai tháng xét xử và nghị án, TAND TP HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) mức án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải nhận 30 năm tù.

Tại tòa, đại diện VKS cho rằng, bà Hứa Thị Phấn có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tiền trong quá trình mua cổ phần Ngân hàng Đại Tín. Do đó, VKS đề nghị khởi tố tại tòa đối với bà Phấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tác giả bài viết: T.Nhung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP