SCMP cho biết, trong nhiều thế kỷ qua, khi nhắc tới tham nhũng, người Trung Quốc thường nhớ tới một câu tục ngữ đại ý là “nếu những tia sáng bên trên không thẳng thì ánh sáng phía dưới sẽ xiên”.
25 thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc cũng phải đối mặt với những "bài kiểm tra". (Ảnh: Reuters)
Câu tục ngữ trên vẫn đúng trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục mạnh tay thực hiện chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có nhằm củng cố quyền lực và tính chính thống của Đảng Cộng sản bằng cách nhắm vào cả “hổ” và “ruồi”, cách nói ám chỉ những quan tham cấp cao và thấp trong chính quyền nhà nước Trung Quốc.
Từ khi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” bắt đầu từ gần 4 năm trước, hàng ngàn quan chức, cán bộ Trung Quốc đã “sa lưới”, trong đó có nhiều “hổ tướng”. Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, là một điển hình. Ông Chu đã trở thành lãnh đạo cao cấp nhất rơi vào vòng lao lý.
Dù nhiều người dân Trung Quốc hoan nghênh những nỗ lực trên của chính quyền nhưng số khác vẫn tỏ ra hoài nghi, cho rằng những quan chức đã bị điều tra, kết án đều đã về hưu hoặc không còn nắm quyền. Họ bị coi là những “con hổ đã chết một nửa”.
Ông Tập đã cam kết sẽ đưa ra những quy định rõ ràng về việc “đả hổ” nên nhiệm vụ trọng yếu là phải có một cơ chế quản lý để theo dõi, quản lý hành vi và quá trình lãnh đạo của những quan chức cấp cao. Những quan chức cấp cao đó bao gồm gần 380 Ủy viên Trung ương đảng, đặc biệt là 25 thành viên của Bộ Chính trị, trong số đó có 7 thành viên thuộc Ban Thường vụ Bộ Chính trị với quyền lực tối cao.
Trong số 87 triệu đảng viên, nhóm nhỏ quan chức này nắm giữ quyền lực tối cao và có thể kiểm soát “quyền lực thép” đối với đất nước, từ chính phủ tới quân đội, cơ quan lập pháp và hành pháp.
Đầu năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề cập tới vấn đề làm thế nào để quản lý hiệu quả “nhóm thiểu số quan trọng” trên. Ông cho rằng quản lý tốt nhóm này chính là chìa khóa thành công cho chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc và tiếp tục sự lãnh đạo của Đảng.
Tại phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương Đảng Trung Quốc dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới, lãnh đạo đảng sẽ xem xét sửa đổi bộ quy tắc ứng xử đối với 380 thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, truyền thông Trung Quốc cho hay.
Bộ quy tắc ứng xử nhằm đảm bảo việc các cán bộ sẽ “tuân thủ điều lệ đảng và kỷ luật đảng” và “làm gương cho các đảng viên khác”.
Từ tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc đã chọn Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông, Trung Khánh và Tân Cương làm 5 địa phương thí điểm áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn nhằm kiểm soát tham nhũng. Theo đó, vợ hoặc chồng các cán bộ cấp cao của các tỉnh, thành phố nêu trên không được phép sở hữu các doanh nghiệp. Không những thế, con ruột hoặc con dâu, con rể họ cũng không được phép tham gia vào những hoạt động kinh doanh.
Từ những năm 1980, chính quyền Trung Quốc đã ra hơn 20 sắc lệnh nhằm điều chỉnh hoạt động kinh doanh của người nhà các cán bộ cấp cao nhưng không mấy hiệu quả. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới kết quả trên là những quy định này áp dụng chủ yếu với những quan chức cấp tỉnh và đô thị tự trị, không có quy định rõ ràng đối với 25 thành viên của Bộ Chính trị, gồm cả 7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Thật vậy, trong những năm gần đây, truyền thông nước ngoài liên tục đưa tin về những khối tài sản khổng lồ thuộc về các thành viên gia đình của các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào cuối năm 2012, người thân của các Ủy viên Bộ Chính trị phải chịu áp lực tăng lên với các hoạt động kinh doanh, phần lớn trong số họ rút lui vào hậu trường và bổ nhiệm một người khác thay mình quản lý các khoản đầu tư.
Quy định quản lý chặt chẽ 25 thành viên của Bộ Chính trị và người thân của họ sẽ là một trong những “bài kiểm tra” lớn nhất mà quan chức Trung Quốc phải đối mặt.
Tác giả bài viết: Danh Tuyên