Tuy nhiên, chỉ 24 giờ sau đó, người kế nhiệm ông là Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ khai tử TPP vào đúng ngày đầu tiên ông nhậm chức - 20/1/2017.
Tổng thống đắc cử Donald Trump
Theo giới phân tích, trong khi đây là tin dữ đối với các đối tác Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, thì với Trung Quốc, đây là tin không thể mừng hơn.
Về bản chất, TPP là một trong những yếu tố cốt lõi trong chiến lược xoay trục của chính quyền Obama về phía châu Á. Bắc Kinh luôn nói rằng chiến lược này chỉ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của họ.
Nay, Donald Trump tuyên bố rút khỏi các đàm phán TPP. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, Mỹ rút khỏi đàm phán thì TPP là vô nghĩa.
Và nước đầu tiên hưởng lợi trong sự rút lui này chính là Trung Quốc. Giới phân tích đưa ra một số lý do như sau:
Thứ nhất, hiệp định thương mại tự do này ‘tan biến’, cũng có nghĩa là cơ hội gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực gần như không còn trở ngại.
Các quan chức đi cùng Chủ tịch Tập Cận Bình tới Peru đã tranh thủ bắt tay vào đàm phán các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (RCEP), và Khu Tự do Thương mại châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra phải kể đến lộ trình tham vọng khổng lồ của Bắc Kinh, đó là chiến lược ‘Một vành đai, một con đường’.
Đây là ‘con đường tơ lụa’ mới của Trung Quốc được tiến hành trong nhiều năm, với nhiều tỷ USD được rải khắp nơi, nhằm mở rộng ảnh hưởng về chiến lược, thương mại và đầu tư của Bắc Kinh tại châu Á.
Chủ tịch Tập Cận Bình (đầu tiên từ phải sang) tham dự Hội nghị APEC tại Peru.
Cây bút bình luận nổi tiếng Patrick Lawrence cũng đồng tình rằng, với việc TPP gần như không còn hy vọng, thỏa thuận tự do thương mại của Trung Quốc sẽ có nhiều cơ hội thực thi hơn.
Mới đây, Thủ tướng Nhật Abe nói nếu TPP không có Mỹ, Tokyo sẽ quay sang Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng.
Trung Quốc đã tiến hành đàm phán Hiệp định RCEP với 10 nước thành viên ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand từ năm 2013.
Tuy vậy, Patrick Lawrence lại cho rằng, việc truyền thông Mỹ và châu Âu đồng thanh tuyên bố TPP ‘bị khai tử’, không có nghĩa mục đích chiến lược tối thượng của ông Tập Cận Bình tới Peru vào lúc này là nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ.
“Tôi nghĩ không thể nào có thể giết chết học thuyết Monroe, bởi đó là một phần trong DNA của người Mỹ. Chừng nào Mỹ còn tồn tại thì học thuyết Monroe vẫn sống ở dạng thức nào đó, dù họ có tuyên bố về nó hay không”, Spunitk dẫn lời ông Lawrence.
Thứ hai, rút khỏi đàm phán TPP cũng có nghĩa là chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ bị ‘rút ruột’, các mối quan hệ cốt yếu của Washington cũng như các cam kết và ảnh hưởng trở nên mờ nhạt hơn. Không gian cho một Trung Quốc trỗi dậy cũng vì vậy mà rộng hơn và không còn bị ngáng trở, đặc biệt là về an ninh và quân sự.
Một TPP không gồm Trung Quốc có thể được Mỹ sử dụng như là một phương tiện để đối phó với sức mạnh đang lên của nước này. Mỹ muốn củng cố quan hệ với các đồng minh then chốt trong khu vực, lấy sức mạnh kinh tế để phục vụ cho mục tiêu an ninh.
“Với tôi, thông qua hiệp định TPP cũng quan trọng y như có thêm chiến hạm mới” – Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter từng nói.
New York Times nhận định, nếu không còn ‘vũ khí’ TPP, Mỹ sẽ phải lệ thuộc nhiều hơn vào hợp tác quân sự thay vì thương mại để duy trì ảnh hưởng tại châu Á – TBD.
“Những lời đề nghị mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong hội nghị tại hội nghị APEC ở Lima rõ ràng cho thấy, Trung Quốc sẽ cố tranh thủ khiến các nước láng giềng châu Á tham gia vào dự án thương mại tự do của riêng họ, dẫn tới việc Mỹ mất ảnh hưởng trong khu vực” – Giáo sư Patrick Leblond tại Đại học Công vụ và Ngoại vụ Ottawa, Canada, nhận định.
Ông Leblond cho rằng nhờ TPP mà các quốc gia châu Á có lý do địa chiến lược để xích lại gần Mỹ hơn và tách xa khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.
Tác giả bài viết: Lê Thu
Nguồn tin: