Thể thao

'Giải cứu' Công Phượng và đồng đội

Đã hơn nửa năm từ khi Công Phượng rồi lần lượt Tuấn Anh, Xuân Trường sang Nhật Bản và Hàn Quốc thi đấu, người hâm mộ trong nước đi từ háo hức chờ đợi cho đến chán nản khi chưa một lần được chứng kiến các cầu thủ được xem là xuất sắc nhất trong nước hiện nay này được ra sân thi đấu chính thức ở các câu lạc bộ mà họ đang khoác áo. Đó là một thực tế ít ai ngờ tới và cũng không thể hiểu rõ nguyên nhân là do năng lực cầu thủ hay còn những lý do nào khác.

Mới đây, qua facebook cá nhân, dư luận cho rằng Công Phượng đang có dấu hiệu chán nản khi gần 6 tháng trời tập luyện và… ngồi dự bị ở CLB Mito Hollyhock đang chơi ở giải hạng hai của Nhật. Cho đến thời điểm này, Công Phượng được huấn luyện viên cho vào sân hai lần vào những phút cuối của trận đấu, với tổng số phút của hai lần là 7! Ở trận đấu mới nhất gặp Gifu trên sân nhà mà Mito Hollyhock thắng sát nút 1-0, Công Phượng có tên trong danh sách dự bị nhưng anh vẫn không được ra sân phút nào. Chân sút được kỳ vọng nhất tuyển Việt Nam gần như không đóng góp chút gì cho câu lạc bộ hạng hai, vốn được đánh giá có trình độ khá tương đồng với V-League ở thời điểm này.

Công Phượng phát tờ rơi mời fan hâm mộ ở ga tàu điện

Trường hợp Tuấn Anh lại càng bi đát hơn so với người đồng đội ở lò đào tạo HAGL. Tuấn Anh sang CLB Yokohama sau Công Phượng gần 3 tháng. Cho đến nay, anh chưa một phút nào được câu lạc bộ ghi tên vào danh sách thi đấu dù Yokohama cũng đang chơi ở J-league 2 như Mito Hollyhock. Ngay trong trận đấu duyên nợ giữa Yokohama và Mito Hollyhock, người hâm mộ hy vọng hai cầu thủ Việt Nam sẽ được cho vào sân chạm trán nhau, nhưng rồi phải thất vọng khi Tuấn Anh không được đăng ký, còn Công Phượng có tên nhưng lại ngồi dự bị. Trớ trêu là trong trận đó, Tuấn Anh cũng xuất hiện với vai trò… giao lưu khán giả nhân Ngày Việt Nam do chính CLB Yokohama tổ chức. Điều này cho thấy rõ ràng hơn việc Tuấn Anh được câu lạc bộ này đưa về là để làm những việc khác chứ không phải chơi bóng!

“Sáng sủa” hơn có lẽ là Xuân Trường, khi anh được CLB Incheon United sử dụng khá nhiều trong các trận đấu của đội hình dự bị. Đây là giải đấu dành cho đội hình dự bị của các câu lạc bộ đang chơi ở K-League, nếu có phong độ tốt thì cầu thủ sẽ được đôn lên chơi chính thức ở K-League. Xuân Trường đã thi đấu khá cố gắng ở giải này, nhưng niềm hy vọng được chơi ở giải cao nhất Hàn Quốc vẫn còn rất xa vời.

Khi đem các tuyển thủ này sang, đại diện các câu lạc bộ đều đánh giá rất cao năng lực và phong độ của họ. Riêng mục tiêu của bầu Đức không gì khác hơn là mong muốn các cầu thủ con cưng được thi đấu cọ xát ở môi trường bóng đá cao hơn để có thêm kinh nghiệm, nâng cao trình độ, phát triển đúng định hướng. Tuy nhiên, có lẽ đến thời điểm này đã có thể nhận định rằng từ lời hứa của các câu lạc bộ đến mục tiêu của bầu Đức đều không thành hiện thực. Khả năng bầu Đức sớm rút các cầu thủ về là “sáng sủa” hơn cả bởi một cầu thủ dù tài năng đến mấy mà mòn mỏi ngồi dự bị hoặc không được quan tâm tới thì cũng sẽ nhanh chóng mất đi phong độ, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển. Vì vậy, bỏ qua mặc cảm thất bại, tìm một môi trường mới phù hợp cho các cầu thủ này là giải pháp tốt để cứu họ ở thời điểm hiện nay.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP